Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nhận thấy những quả tảo cầu rêu (bóng rêu) “marimo” - những quả cầu nhỏ xinh xắn phủ một lớp rêu xanh mượt đã khiến cho hồ Akanko ở Hokkaido trở nên nổi tiếng - đang bị thu nhỏ lại do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu cho biết trên tạp chí Scientific Reports rằng độ dày bề mặt tối đa của marimo có thể đã giảm khoảng 1cm trong vòng 3 thập kỷ qua khi nhiệt độ của nước hồ đang tăng lên.
Marimo là một dạng thức sinh trưởng rất đặc biệt của tảo sợi. Chúng chỉ xuất hiện tại một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Trong đó, hồ Akanko hiện là nơi duy nhất trên thế giới có quần thể marimo khổng lồ với đường kính lên đến hơn 20cm. Những quả bóng rêu marimo này được công nhận là bảo vật quốc gia đặc biệt.
Vòng đời của marimo bao gồm các giai đoạn: tăng trưởng, hủy diệt và tái sinh.
Marimo được hình thành khi những thân tảo dạng sợi vướng vào nhau và bện thành những khối cầu trong quá trình bị gió và sóng cuốn đi. Phần bên trong của marimo sẽ bị phân hủy do không được tiếp xúc với ánh sáng, tạo thành một vùng khoang rỗng. Dần dần, lớp bên ngoài cũng sẽ bị phá vỡ, khiến quả bóng rêu trở lại thành những sợi tảo.
Hình dáng tròn trịa xinh xắn và lớp rêu mượt mà bao phủ bên ngoài đã khiến marimo rất được ưa thích, thậm chí còn được người dân Nhật Bản nuôi như thú cưng. Điều này cũng mang đến một tác động tiêu cực là sự suy giảm của quần thể marimo trong tự nhiên.
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Kobe đã thử nghiệm nuôi những quả cầu marimo có đường kính 15cm và độ dày 4,1cm trong bể cá trong khoảng 290 ngày kể từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2020.
Họ thường xuyên đo độ dày bên ngoài xung quanh khoang và mật độ tảo bằng phân tích MRI. Kết quả cho thấy có mối tương quan giữa nhiệt độ nước và độ dày của bề mặt marimo. Ở nhiệt độ cao, phần tảo bên trong sẽ phân hủy nhanh hơn so với tốc độ phát triển của chúng, khiến mật độ tảo thấp hơn và phần khoang rỗng lớn hơn, khiến marimo mỏng đi.
Sử dụng những dữ liệu về nhiệt độ nước trong quá khứ, họ ước tính rằng độ dày của marimo có thể đã giảm từ mức tối đa 4,7cm vào năm 1988 xuống còn 3,7cm trong những năm gần đây.
Họ cũng nhận thấy để marimo duy trì được độ dày bề mặt 4,1cm thì nhiệt độ nước phải ở mức dưới 24 độ C.
Trong khi đó, theo Hội đồng Giáo dục thành phố Kushiro, nhiệt độ nước cao nhất được ghi nhận ở hồ Akanko là 28,5 độ C vào mùa Hè nóng kỷ lục năm 2021. Mùa Hè năm nay ghi nhận nhiệt độ nước cao nhất là 27,5 độ C.
Kể từ năm 2015, nhiệt độ nước liên tục vượt quá 24 độ, cho thấy nhiệt độ trung bình của nước trong mùa Hè hiện cao hơn tiêu chuẩn lý tưởng cho marimo.
Yoichi Oyama, thành viên văn phòng nghiên cứu marimo của Ủy ban Giáo dục thành phố Hokkaido và cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Trong những năm gần đây, tôi nhận thấy số lượng tảo marimo mập mạp đã giảm sút. Ngoài các yếu tố khác cần được xem xét như điều kiện dinh dưỡng và dòng chảy, thì sự gia tăng nhiệt độ nước đã được xác định là một nguyên nhân.”
Nhiệt độ nước biển cao tại Hokkaido cũng đã làm thay đổi diện mạo của một loài sinh vật khác, là tảo bẹ, được người Nhật dùng làm thức ăn.
Kể từ mùa Hè vừa qua, một sinh vật dạng sợi được gọi tên là Hydrozoa đã bám vào bề mặt của tảo bẹ ngày một nhiều hơn. Hydrozoa thuộc họ cnidarian, giống như hải quỳ. Dù Hydrozoa không làm thay đổi chất lượng của tảo bẹ nhưng chúng ảnh hưởng đến hình thức của tảo.
Shoichi Ida, 70 tuổi, làm nghề thu hoạch tảo bẹ ở Rausu, Hokkaido, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều Hydrozoa bám vào tảo bẹ đến vậy. Ngay cả khi chà bằng bàn chải, chúng cũng không dễ dàng bong ra. Vì vậy tôi đã phải vứt đi khá nhiều tảo bẹ.”
Theo Tổ chức nghiên cứu Hokkaido, Hydrozoa sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng khi nhiệt độ nước biển vượt quá 15 đến 16 độ C. Trong khi đó, khoảng từ mùa Hè đến mùa Thu năm nay, nhiệt độ nước biển ở khu vực bờ biển phía Đông của Hokkaido được ghi nhận nằm trong khoảng 20 độ C.
Theo số liệu sơ bộ từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ trung bình hàng tháng của bề mặt nước biển vùng quanh Hokkaido trong tháng 7 cao hơn 3,1 độ so với bình thường, cao hơn 4,3 độ C trong tháng 9 và 3,8 độ C trong tháng 9.
Cơ quan này cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 ở mức cao nhất kể từ năm 1982, năm mà họ bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê theo một phương pháp mới./.