Bình Dương dành nguồn lực đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng

Năm 2022, Bình Dương bố trí hơn 8.700 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó cho các dự án giao thông trọng điểm như giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, xây cầu Bạch Bằng nối Đồng Nai và cầu nối tỉnh Tây Ninh.
Bình Dương dành nguồn lực đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng ảnh 1Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) đang đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa để mở rộng. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi vừa có chuyến kiểm tra các dự án giao thông quan trọng kết nối liên kết vùng, tạo động lực phát triển mới ở các huyện phía Bắc của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu dành nguồn lực đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng các dự án trọng điểm, để tạo thêm không gian phát triển và thu hút đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là bố trí nguồn vốn đầy đủ để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án giao thông, góp phần kết nối phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đối với những đoạn, tuyến đã hoàn thành, tỉnh yêu cầu tính toán nối tuyến, đồng thời những đoạn làm mới phải được thực hiện đúng thiết kế đã được duyệt.

“Việc quy hoạch các đô thị dọc tuyến đường Vành đai 4 phải bảo đảm hài hòa với quy hoạch chung của tỉnh; đồng thời phát huy tối đa lợi thế của tuyến đường mang lại, góp phần thúc đẩy cả vùng kinh tế động lực phía Nam cùng phát triển” - Bí thư Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.

[Bình Dương khởi công dự án nâng cấp Quốc lộ 13 nối với TP Hồ Chí Minh]

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, dự kiến tháng 11 năm 2022 sẽ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. 

Tuyến đường có chiều dài tuyến 11,3km, quy mô 6 làn xe. Dự án đang thu hồi đất của 976 hộ dân.

Đây là dự án giao thông rất quan trọng kết nối hàng loạt khu công nghiệp tập trung lớn của tỉnh như Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore III và các khu công nghiệp Nam Tân Uyên, qua đó tạo động lực phát triển và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn, nhất là Tập đoàn LEGO đang xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore III.

Cùng với đó, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm dự án đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến 199km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuyến đường rộng từ 6-8 làn xe đi qua 5 tỉnh, thành gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An.

Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 48,3km, quy mô 8 làn xe được thiết đường cao tốc. Đây là tuyến đường tạo động lực thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư được các nhà hoạch định tỉnh Bình Dương lên kế hoạch dành nguồn lực vốn để đầu tư.

Hiện đoạn qua tỉnh Bình Dương đã có đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến có dài 22,64km từ Cầu Thủ Biên-Đất Cuốc kết nối đến Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore IIA và Khu công nghiệp Mỹ Phước 3-Cầu Thới An và sẵn sàng kết nối qua sông Sài Gòn với thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2022, tỉnh Bình Dương bố trí hơn 8.700 tỷ đồng vốn đầu tư công; trong đó tập trung dành nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm để liên kết vùng như giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 nâng lên thành 8 làn xe, nâng cấp đường ĐT746, xây dựng cầu Bạch Bằng nối với tỉnh Đồng Nai và cầu qua sông Sài Gòn nối với tỉnh Tây Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục