Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, trong năm 2022, tỉnh đầu tư hạ tầng giao thông; trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm kết nối liên vùng, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư, tạo môi trường phát triển bền vững.
Cụ thể, tỉnh đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa vào sử dụng đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Đồng Phú. Đây là dự án có tổng mức đầu tư trên 965 tỷ đồng vừa được khởi công xây dựng.
Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Đồng Phú là tuyến đường tạo lực kết nối các huyện, thị phía bắc của tỉnh với chiều dài 12,15km, gồm điểm đầu tuyến là cầu Tam Lập - ranh giới giữa huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên, điểm cuối tuyến là ranh giới giữa huyện Phú Giáo và huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước.
Đường được thiết kế 6 làn xe với vận tốc 80 km/giờ. Sau khi hoàn thành, tuyến đường trên góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, lưu thông hàng hóa giữa hai tỉnh Bình Dương-Bình Phước và vùng Đông Nam Bộ.
Trong những ngày đầu Năm mới Nhâm Dần 2022, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi trong chuyến khảo sát về đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hoàn thiện các thủ tục nhằm sớm khởi công mở rộng tuyến Quốc lộ 13 từ thành phố Thủ Dầu Một đến giáp ranh địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh yêu cầu sớm khởi công đoạn Quốc lộ 13 dài 12,7km, được mở rộng lên 8 làn xe với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo trong quý 1/2022, cần tập trung hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án, không để chậm trễ.
[25 năm tái lập tỉnh Bình Dương: Sẵn sàng cho những bứt phá mới]
Ngoài ra, trên quốc lộ 13 còn còn xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, với quy mô dài 880m rộng 17m; cầu vượt ngã tư Hòa Lân dài 646m, rộng 17m; xây dựng mở rộng cầu Tân Phú thêm 1 đơn nguyên hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nâng tổng chiều rộng cầu lên 40,5m.
Ngoài ra, trên Quốc lộ 13 còn có hai dự án giao thông quan trọng của tỉnh, chống ùn tắc giao thông gồm hầm chui ngã 5 Phước Kiến và ngã tư Chợ Đình đang được hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công.
Theo kế hoạch, nguồn vốn của tỉnh Bình Dương dành cho đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 là gần 50.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh bố trí 31.912 tỷ đồng cho 445 dự án; vốn ngân sách cấp huyện phân bổ 9.500 tỷ đồng cho 9 huyện, thị xã, thành phố; vốn bội chi ngân sách tỉnh năm 2021 bố trí 204,5 tỷ đồng cho 2 dự án.
Đồng thời, nguồn ngân sách trung ương bố trí hơn 2.581 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 40 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Trong giai đoạn này, tỉnh Bình Dương dự kiến bố trí cho 40 dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông với tổng vốn hơn 13.821 tỷ đồng.
Cụ thể, các dự án giao thông quan trọng của tỉnh như dự án mở rộng Quốc lộ 13; đường vành đai 3, vành đai 4, đặc biệt là dự án cao tốc Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.../.