Đầu tư có trọng điểm

Bộ GTVT: Đầu tư có trọng điểm, giải quyết nợ xấu

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2012, nhiều công trình, dự án đã về đích đúng hẹn và sớm so với tiến độ đề ra.


“Các kế hoạch đầu tư phải sát thực, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực. Dự án đầu tư vừa phải có trọng tâm trọng điểm, vừa mang tính đột phá, khắc phục được tình trạng dàn trải, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Bộ cũng quyết liệt triển khai tái cơ cấu, tập trung giải quyết nợ xấu, nợ động và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp” là mục tiêu được Bộ Giao thông Vận tải đặt ra cho năm 2013.

Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào ngày hôm nay (10/1).

Đầu tư dự án có trọng điểm

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2012, nhiều công trình, dự án tiến độ đã về đích đúng hẹn. Chất lượng công trình đã được cải thiện rõ rệt, đảm bảo yêu cầu. Các dự án có tồn tại về chất lượng của các năm trước đã được sửa chữa khắc phục, duy trì khai thác ổn định.  

Cụ thể, Bộ đã khởi công 38 công trình do Bộ quản lý; 80 công trình giao thông của các địa phương, hoàn thành 76 công trình do Bộ quản lý; 131 công trình của các địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông, nhờ tăng cường chỉ đạo điều hành, công tác đầu tư, xây dựng đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhiều công trình, dự án tiến độ đạt và vượt kế hoạch (đường vành đai 3 giai đoạn 2 Thành phố Hà Nội, đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (gói thầu số 1), Cầu Nhật Tân, Cầu Bến Thủy II, cầu Rạch Chiếc, các cầu vượt nhẹ tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng hàng không Phú Quốc). Đã từng bước khắc phục tình trạng chậm tiến độ các dự án: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án mở rộng Quốc lộ 51...

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Tấn Viên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tổng cộng toàn ngành (do Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý) thực hiện 36.919 tỷ đồng, giải ngân 39.524,9 tỷ đồng. Riêng vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ thực hiện 28.914 tỷ đồng (đạt 164%) và giải ngân 31.567 tỷ đồng (đạt 182%) so với kế hoạch giao đầu năm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải biểu dương những kết quả trong năm qua mà ngành giao thông đạt được đồng thời đánh giá các dự án xây dựng cơ bản tăng trưởng rất nhanh với tỷ lệ giải ngân đạt 98,9% là con số đáng khen nhất là trong tình hình thiếu vốn.

“Năm 2013, nguồn vốn cho ngành giao thông chỉ khoảng 20.000 tỷ vì thế, Bộ Giao thông phải kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa BT,BOT và đề nghị các bộ ngành có giải pháp về vốn. Những dự án khởi công và hoàn thành năm 2013 cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện,” Phó thủ tướng khẳng định.

Đề cập đến kế hoạch trong năm 2013, Bộ Giao thông cho biết, các dự án sẽ được rà soát các danh mục đầu tư trên cơ sở đó xây dựng danh mục và thứ tự ưu tiên đối với các dự án trọng điểm cần hoàn thành sớm bao gồm các tuyến đường bộ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường trục và các sân bay bến cảng đường sắt có ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế quốc tế trình Chính phủ trong quý II năm 2013.

“Ngoài ra, Bộ Giao thông sẽ hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước; kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng; chủ động rà soát, điều hòa, điều chỉnh vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2013 trong phạm vi quản lý để tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ODA, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình...” đại diện Bộ Giao thông cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông cũng yêu cầu các cục, vụ chức năng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, định hướng thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích đầu tư bằng các hình thức BOT, PPP...

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA, vốn kém ưu đãi hơn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Nghiên cứu xây dựng phương án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 theo Nghị quyết của Quốc hội; đề nghị Nhà nước và các địa phương phát hành trái phiếu để hỗ trợ việc thi công các công trình giao thông, trước  hết ưu tiên phục  vụ công tác giải phóng mặt bằng...

Tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu doanh nghiệp

Theo mục tiêu năm 2013, Bộ Giao thông sẽ tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với phát triển thị trường, có sự chuyển biến tích cực, đột phá ngay từ đầu năm để tạo tiền  đề  vững chắc cho các doanh nghiệp phát triển  bền  vững trong giai  đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo.

Theo đó, các doanh nghiệp cần triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, chú trọng vào tái cơ cấu mô hình tổ chức, tái cơ cấu các dự án đầu tư, tái cơ cấu nợ và coi công tác cổ phần hóa là then chốt để các doanh nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, huy động vốn từ các cổ đông, giảm tỷ trọng nợ vay, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác dự báo thị trường, xây dựng chiến lược, kế hoạch 5 năm và hàng năm làm định hướng đúng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thu gọn các đầu mối kinh doanh để đảm bảo khả năng kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động, tổ chức hạch toán, thống kê đầy đủ, thực hiện công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của đơn vị.

Đối với việc giải quyết nợ xấu, nợ đọng, Bộ Giao thông chỉ đạo, các doanh nghiệp xây dựng chủ động, tích cực làm việc với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thuộc Bộ để hoàn thành việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong Quý I/2013, tập trung xử lý các khoản phải thu của khách hàng và hàng tồn kho, thanh lý các tài sản không cần dùng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán nợ cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng để giảm nợ xấu.

Cùng với các giải pháp trên, doanh nghiệp cũng cần chủ động đánh giá lại hiệu quả vốn đầu tư, tăng cường công tác quản lý tài chính của công ty mẹ và các công ty thành viên để bảo toàn phát triển vốn; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng vốn điều lệ và giảm nợ vay; tăng cường mối quan hệ với các tổ chức tín dụng, đa dạng hóa hình thức thu hút vốn đầu tư bên ngoài vào, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm...

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa kinh doanh thua lỗ cần phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (Bộ Tài chính) để cơ cấu lại các khoản lỗ, các khoản đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục