Bộ GTVT giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 67% trong 10 tháng

Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tục tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án ODA.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến hết tháng 10/2021, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 2.204 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng giải ngân được 29.114 tỷ đồng (đạt 67,1% kế hoạch) gồm vốn trong nước 26.373/38.537 tỷ đồng (đạt 68,4%); vốn nước ngoài 2.741/4.837 tỷ đồng (đạt 56,7%).

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết 42.972/42.996 tỷ đồng, đạt 99,94% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ còn lại 23,7 tỷ đồng sẽ phân bổ để trả nợ xây dựng cơ bản của 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục.

Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án ODA, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án, nhất là các dự án có tiến độ hoàn thành trong năm 2021.

Mỗi tuần, Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên họp kiểm điểm các dự án có biểu hiện chậm thực hiện giải ngân, rà soát đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân theo từng dự án cụ thể.

Lãnh đạo Bộ cũng thường xuyên chủ trì họp, kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách và các dự án khác có tiến độ hoàn thành trong năm 2021.

[Bộ GTVT yêu cầu rà soát kế hoạch giải ngân vốn dự án giao thông]

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hoàn thiện thủ tục để sớm đưa dự án Cát Linh-Hà Đông vào khai thác; rà soát các loại giá dịch vụ hàng hải và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại các khu vực cảng biển để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hình mới.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai thi công; đang hoàn thiện thủ tục để duyệt chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án giao thông khác.

Về công tác lập quy hoạch ngành quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản hoàn thành cả 5 quy hoạch chuyên ngành thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tháng 10/2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt. Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/5 quy hoạch.

Dự kiến 2 quy hoạch chuyên ngành còn lại sẽ được phê duyệt trong năm 2021 bao gồm quy hoạch chuyên ngành đường thủy nội địa và hàng không đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, Thường trực Chính phủ đã cho ý kiến, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục