Bộ LĐ-TBXH 'hiến kế' giảm tác động tiêu cực từ việc tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia khi giữ lao động lớn tuổi làm việc trong các trường học, nhà máy... thậm chí cả công chức lãnh đạo.
Bộ LĐ-TBXH 'hiến kế' giảm tác động tiêu cực từ việc tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. (Ảnh: Vietnam+)

Dự thảo Bộ Luật động sửa đổi đã được trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là nội dung thay đổi có tác động lớn nhất. Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan ngại về việc trong khi nhiều người trẻ còn khó khăn tìm việc, tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam không cao, nhiều ngành nghề đặc thù có tuổi nghề thấp thì liệu có nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Phó Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã trao đổi với phóng viên để giải đáp một số băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu.

- Một số ý kiến quan ngại rằng tuổi thọ của người Việt Nam thì cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp nên việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có hợp lý không? Thứ trưởng nhận định thế nào về ý kiến này?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Khi nhận định một vấn đề thì nên dựa vào bằng chứng và số liệu có nguồn gốc cụ thể. Tôi sẽ nói về số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Tuổi thọ khỏe mạnh hay số năm sống trung bình khỏe mạnh được WHO tính dựa trên 136 yếu tố, từ các chỉ tiêu kinh tế, dân số, lao động, tài chính và nhân lực cho y tế, tiếp cận dịch vụ y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, loại trừ bệnh dịch, tiêm chủng mở rộng, mức độ suy dinh dưỡng, độ bao phủ của bảo hiểm y tế , chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân… chứ không chỉ đơn thuần là một vài chỉ tiêu như an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.

[Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021: Chọn lộ trình 10 năm hay 15 năm?]

Nhiều người lo ngại rằng mặc dù tuổi thọ của Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 là thấp. Nhận định đó là sai lầm vì theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam là rất đáng tự hào.

Trong xếp hạng về số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 của 183 nước do WHO công bố năm 2016, Singapore đứng đầu tiên với 22 năm, thấp nhất đứng thứ 183 là Sierra Leone với 10,3 năm, Việt Nam là 17,2 năm đứng thứ 41.

Như vậy, theo bảng xếp hạng này, Việt Nam chỉ xếp sau 40 nước và đứng trên 142 nước; trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 5 sau 4 nước là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và cao hơn 41 nước; trong khu vực Asean, Việt Nam chỉ sau Singapore còn cao hơn tất cả các nước còn lại.

Đây là thành tựu tuyệt vời của sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, và cần phải tự hào về điều đó. Đừng tự ti khi cho rằng tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam thấp.

-Vậy đối với những ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, công nhân trực tiếp sản xuất… khó có thể làm việc đến 60, 62 tuổi thì vấn đề này nên xử lý thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Đây quả thực là một thách thức. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong đó có tuổi nghỉ hưu đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất lớn, được sự đồng thuận của phần lớn người lao động và doanh nghiệp và tất nhiên không thể hài lòng tất cả. Thêm nữa, luôn có những trường hợp ngoại lệ đòi hỏi phải có phương thức xử lý phù hợp để vượt qua được những đặc thù không mong muốn.

Cá nhân tôi cho rằng nếu nói về đặc thù thì không phải chỉ có Việt Nam có lao động đặc thù mà nước nào cũng có. Chẳng hạn đối với giáo viên mầm non, tiểu học. Phải chăng chỉ Việt Nam mới có giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung mà các nước trên thế giới không có và chỉ trẻ em Việt Nam thích giáo viên trẻ còn trẻ em các nước thì không? Họ xử lý vấn đề này thế nào?

Bộ LĐ-TBXH 'hiến kế' giảm tác động tiêu cực từ việc tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 2Giáo viên mầm non có đủ sức để trực tiếp đứng lớp chăm sóc trẻ khi đã 50, 60 tuổi. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều nước quan niệm rằng trong trường học còn nhiều vấn đề cần giải quyết ngoài chuyện dạy chữ, thí dụ có trẻ tăng động, có trẻ tự kỷ, có trẻ khiếm khuyết về ngôn ngữ, có trẻ hạn chế về năng lực tư duy, có trẻ mà bố mẹ có khó khăn phải gửi con sớm hoặc đón con muộn, hoặc cần gửi con theo giờ giấc linh hoạt hơn phù hợp với điều kiện làm việc của mình. Các giáo viên lớn tuổi có giúp xử lý được các vấn đề này không khi mà họ có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm và nếu cần đào tạo, bồi dưỡng thêm cho họ để đảm nhận được công việc.

Ngành giáo dục phải vào cuộc, tổ chức, sắp xếp, bố trí lại lao động, tổ chức lại công việc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ và gia đình trẻ, và cũng là thúc đẩy chất lượng giáo dục tốt lên.

Đối với công nhân trực tiếp sản xuất, có những lo ngại khi lớn tuổi năng suất lao động không cao, doanh nghiệp không muốn sử dụng mà thay vào đó là sử dụng lao động trẻ. Ở phần lớn các nước, lao động trực tiếp sản xuất vẫn là đông đảo nhất, họ xử lý thêd nào đối với lao động trung niên hoặc cao tuổi hơn? Thường là họ có một luật với tên gọi Luật chống phân biệt đối xử và thúc đẩy việc làm của lao động trung niên.

Đối với phần lớn doanh nghiệp, điều quan tâm là chi phí. Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ người lao động khi bị thất nghiệp mà phải hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải lao động. Liệu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có hỗ trợ tài chính để sắp xếp, bố trí lại lao động, tiếp tục sử dụng lao động trung niên và cao tuổi như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc đóng bảo hiểm xã hội cho những lao động này để giảm chi phí cho doanh nghiệp như nhiều nước vẫn làm chẳng hạn.Tất nhiên là không hỗ trợ tràn lan mà phải có điều kiện.

Người lao động lớn tuổi có thể chậm chạp hơn, năng suất thấp hơn, nhưng doanh nghiệp giảm được chi phí thì chắc vẫn sử dụng, đặc biệt trong bối cảnh lao động khan hiếm. Chúng tôi có tính là hiện nay Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư khoảng 70.000 tỷ đồng; chẳng hạn nếu mỗi lao động thuộc nhóm tuổi cao được hỗ trợ 500.000 đồng một tháng hoặc 6 triệu đồng một năm, thì chỉ cần 3.000 tỷ đồng hỗ trợ từ Quỹ đã có thể giúp cho nửa triệu lao động tiếp tục làm việc; mà tiếp tục làm việc là tiếp tục tạo ra hàng hóa, dịch vụ, giúp cho sự tăng trưởng của đất nước.

Về bản chất, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là sự chia sẻ giữa doanh nghiệp lớn, thuận lợi với doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn, giữa người lao động ở các ngành nghề ổn định, ít nguy cơ mất việc làm với người lao động ở các nghề nhiều rủi ro mất việc làm. Hỗ trợ này theo hướng thực chất là tạo sự gắn kết xã hội giữa cộng đồng người lao động với nhau, giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với nhau qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hoặc đối với các công chức lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều lo ngại rằng nâng tuổi nghỉ hưu dẫn đến thời gian giữ chức khá lâu, kém năng động, hiệu quả công việc không cao. Vậy thì chính sách cán bộ cần được sửa đổi, liệu có nên có quy định chỉ giữ chức Vụ trưởng, Cục trưởng, thậm chí Thứ trưởng chỉ nên đến 60 tuổi thôi, hai năm còn lại không giữ chức mà có nghĩa vụ chuyển giao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho cán bộ trẻ, giữ cho sự liền mạch của các chính sách trong lĩnh vực phụ trách trước đây. Trong nhiều bài học thành công của Nhật Bản thì có bài học là lớp người lao động lớn tuổi chuyển giao lại kinh nghiệm, kỹ năng, cách ứng xử cho lớp lao động trẻ.

Như vậy, đối với các nhóm lao động đặc thù cần thiết kế đồng bộ các chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp mới xử lý được.

- Việc giữ lại một lớp lao động lớn tuổi sẽ chiếm chỗ làm của lao động trẻ, ông đánh giá thế nào về sự lo ngại này?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Thực tế, cũng có người hiện đang lo ngại như vậy, nhưng phải trở lại lý do đầu tiên khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là để ứng phó với quá trình già hóa dân số. 15 năm trước, mỗi năm lực lượng lao động tăng 1,2 triệu người. Nhưng 5 năm gần đây, mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng 400.000 người. Sau 15 năm nữa, khi chúng ta chưa kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì mỗi năm chỉ tăng 200.000 người hoặc là ít hơn sau đó. Tức là khan hiếm và thiếu hụt lao động là nguy cơ rõ ràng nếu không kịp thời điều chỉnh mở rộng độ tuổi lao động.

Khi mà số người rời khỏi độ tuổi lao động ngày càng đông hơn, số người mới gia nhập thị trường lao động ngày càng ít đi thì tác động mà ta gọi là người già “chiếm chỗ” người trẻ sẽ càng giảm nhẹ. Chúng ta thực hiện lộ trình này trong vòng 15 năm nên tác động này là không đáng ngại.

Bộ LĐ-TBXH 'hiến kế' giảm tác động tiêu cực từ việc tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 3

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của ta rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới, dòng chảy của thị trường lao động là bình thường khi vẫn duy trì được số lượng và tỷ lệ thất nghiệp này mặc dù hàng năm lực lượng lao động vẫn tăng thêm 400.000 người và sinh viên tốt nghiệp các trường vẫn bổ sung vào lực lượng lao động. Các số liệu và thực tế này cho thấy người già có thể làm chậm lại đôi chút việc gia nhập thị trường lao động của người trẻ, nhưng lo ngại người già chiếm chỗ của người trẻ thì cần cân nhắc về nhận định này./.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục