Ngày 13/2, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo dừng hoạt động sứ quán tại Yemen và sơ tán nhân viên sứ quán do tình hình diễn biến xấu ở thủ đô Saana của Yemen.
Saudi Arabia là quốc gia Arab đầu tiên thực hiện động thái này do quan ngại tình hình an ninh và chính trị diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại Saana, đặc biệt sau khi lực lượng Houthi dòng Hồi giáo Shiite chiếm quyền kiểm soát Yemen tuần trước.
Trước đó cùng ngày, Italy và Đức cũng thông báo đóng cửa sứ quán tại Saana và rút nhân viên về nước do tình trạng an ninh hỗn loạn tại đây. Hồi đầu tuần, Mỹ, Anh, Pháp cũng đã tiến hành động thái tương tự.
Tại cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 12/2 sau các chuyến đi tới Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đưa ra lời cảnh báo Yemen "đang sụp đổ."
Saudi Arabia được đánh giá là quốc gia mạnh nhất trong số 6 thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Tổ chức này dự kiến sẽ nhóm họp cấp ngoại trưởng vào ngày 14/2 để bàn về tình hình Yemen. Trước đó, GCC đã lên án nhóm Houthi tiến hành "đảo chính."
Yemen rơi vào khủng hoảng kể từ tháng 9/2014, khi phiến quân Houthi tiến đánh và chiếm thủ đô Sanaa, đẩy đất nước vào nguy cơ nội chiến và tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo dòng Sunni ở Yemen.
Hồi tuần trước, phiến quân Houthi đã đơn phương thông báo thành lập "Hội đồng tổng thống" để tiếp quản quyền lực và tiến tới xây dựng "Hội đồng dân tộc" gồm 551 thành viên thay thế Quốc hội hiện hành.
Động thái này của Houthi đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước và cộng đồng quốc tế. Ngày 11/2, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại nhiều thành phố lớn của Yemen phản đối lực lượng Houthi tiếm quyền./.