Bộ trưởng Quốc phòng Israel thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Quốc phòng Israel là quan chức cấp cao Israel đầu tiên tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi xảy ra bất đồng ngoại giao giữa hai nước.
Ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Israel tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi xảy ra bất đồng ngoại giao làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Dự kiến, ông Barak sẽ gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và người đồng cấp Vecdi Gonul trong ngày 17/1.

Trong khi đó, nhiều khả năng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Abdullah Gul sẽ không có cuộc gặp nào với ông Barak.

Trong tuần qua, Israel đã chính thức xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara dọa rút Đại sứ Oguz Celikkol về nước do những tranh cãi xuất phát từ cách hành xử của Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon đối với ông Celikkol.

Nguyên do gây tranh cãi xuất phát từ việc Bộ Ngoại giao Israel cho mời ông Celikkol đến để phản đối một bộ phim truyền hình dài tập của Thổ Nhĩ Kỳ có tên "Thung lũng của bầy sói", mô tả các lực lượng an ninh Israel bắt cóc trẻ em và bắn giết người già.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Ngoại giao Ayalon đã thu xếp để ông Celikkol ngồi ở vị trí thấp hơn và gỡ lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi bàn làm việc.

Sự việc này đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía Ankara.

Bất chấp những trục trặc về mặt ngoại giao, hợp tác quân sự giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là dòng chủ đạo trong mối quan hệ hai nước, vốn đang tụt dốc do thiếu vắng cam kết của Israel đối với hòa bình Trung Đông.

Theo đài truyền thanh Israel, nội dung thảo luận trong các cuộc gặp nêu trên chủ yếu xoay quanh các hợp đồng vũ khí giữa hai nước.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có mặt ở Israel để thử nghiệm loại máy bay không người lái mà các công ty vũ khí của Israel sản xuất theo đơn đặt hàng của Ankara với tổng trị giá 183 triệu USD, dự án bị trì hoãn một thời gian dài do sự cố kỹ thuật và căng thẳng ngoại giao.

Nước Hồi giáo duy nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương này và Nhà nước Do thái đã ký kết hiệp định hợp tác quân sự mang tính lịch sử vào năm 1996, theo đó hai nước trở thành "đối tác chiến lược" của nhau. Điều này đã khiến Iran và các nước Arập nổi giận.

Tuy nhiên, đối với Israel, hiệp định này đã giải tỏa phần nào vị thế bị cô lập của nước này trong thế giới Arập, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội tiếp cận với công nghệ quân sự tiên tiến của Tel Aviv.

Theo nguồn tin AFP, kể từ khi hiệp định hợp tác quân sự năm 1996 có hiệu lực, các công ty vũ khí của Israel đã giành được nhiều hợp đồng với tổng trị giá lên tới 700 triệu USD nhằm trang bị 100 máy bay chiến đấu F-4 và F-5 cùng các tên lửa và thiết bị điện tử cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ riêng năm 2002, ngành công nghiệp quân sự Israel đã thắng thầu 668 triệu USD dự án nâng cấp 170 xe tăng M-60, dự kiến bàn giao cho Ankara vào tháng 2 tới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục