BoJ lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế của Nhật Bản

Các nguồn thạo tin cho biết Ngân hàng trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ giữ ổn định chính sách tiền tệ, đồng thời duy trì quan điểm rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trên đà phục hồi.
BoJ lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế của Nhật Bản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đưa ra quan điểm lạc quan thận trọng về những vùng kinh tế của đất nước, chỉ ra những xu hướng khác nhau do hoạt động xuất khẩu tăng mạnh bên cạnh những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đối với tiêu dùng.

Trong một báo cáo hàng quý được công bố vào ngày 5/7, BoJ đã nâng đánh giá đối với hai trong số chín khu vực chính, bao gồm vùng Kinki phía Tây Nhật Bản, nơi có trụ sở của các nhà xuất khẩu lớn như Panasonic.

Nhưng BoJ đã hạ đánh giá dành cho hai khu vực và không thay đổi quan điểm đối với năm khu vực còn lại. Lý do đưa ra là vì đại dịch COVID-19 đã “hạ nhiệt” chi tiêu của người tiêu dùng và tiếp tục ảnh hưởng ngành du lịch của nước này.

Những quan chức phụ trách các chi nhánh của BoJ cũng đưa ra một loạt mặt tích cực và rủi ro cho triển vọng của nền kinh tế.

Trong khi một số người hy vọng việc tăng tốc tiêm chủng sẽ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, những người khác cho rằng chi phí cho nguyên liệu thô leo thang nhanh hơn so với giá bán là một lực cản tiềm năng đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.

[Thu thuế của Nhật Bản trong tài khóa 2020 có thể vượt mức 546 tỷ USD]

Theo giới quan sát, bản đánh giá này củng cố kỳ vọng của thị trường rằng BoJ sẽ duy trì các biện pháp kích thích mạnh mẽ của mình, nhưng sẽ không sớm mở rộng các biện pháp này với hy vọng rằng nền kinh tế sẽ phục hồi mà không cần thêm hỗ trợ.

Bản báo cáo mới nhất về các khu vực chính của Nhật Bản sẽ nằm trong số các yếu tố được BoJ xem xét kỹ lưỡng tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Các nguồn thạo tin cho biết ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ giữ ổn định chính sách tiền tệ, đồng thời duy trì quan điểm rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trên đà phục hồi.

Trong các dự báo hàng quý mới dự kiến đưa ra vào tuần sao, BoJ có thể duy trì hoặc giảm nhẹ dự báo tăng trưởng của năm tài chính hiện thời (kết thúc vào ngày 31/3/2022) vì cân nhắc tới hoạt động xuất khẩu mạnh lên và tác động từ các biện pháp phòng dịch đối với tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, do giá dầu tăng mạnh vào giai đoạn gần đây, dự báo lạm phát tiêu dùng có thể được điều chỉnh tăng nhẹ so với mức 0,1% đưa ra trước đó.

Theo dự báo được đưa ra hồi tháng 4/2021, BoJ kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4,0% trong năm tài chính hiện hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục