Đòi bồi thường 40 tỷ USD

BP kiện đòi bồi thường 40 tỷ USD cho vụ tràn dầu

BP kiện chủ giàn khoan Transocean gây thiệt hại ít nhất 40 tỷ USD trong sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon trên Vịnh Mexico.
Tròn một năm sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của Tập đoàn năng lượng BP trên Vịnh Mexico, ngày 20/4, BP đã nộp đơn kiện nhà sản xuất thiết bị và chủ giàn khoan, cho rằng chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của hai bên liên quan này đã gây ra thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong đơn gửi tới tòa án liên bang ở New Orleans, tập đoàn năng lượng của Anh kiện chủ giàn khoan Transocean gây thiệt hại ít nhất 40 tỷ USD trong sự cố một năm về trước. BP khẳng định toàn bộ hệ thống và thiết bị an toàn cũng như quy trình điều khiển giếng dầu trên giàn khoan Deepwater Horizon đều không đáp ứng tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, BP cũng kiện công ty Cameron International vì đã cung cấp thiết bị chống cháy nổ bị lỗi thiết kế, làm gia tăng những nguy cơ rất vô lý. BP yêu cầu tòa án buộc Transocean và Cameron phải nhận trách nhiệm trong sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon và chịu phí tổn bồi thường tương ứng với những thiệt hại mà họ đã gây ra.

Hiện cả hai công ty đã có động thái phản đối những cáo buộc trên của BP. Dự kiến phiên tòa xét xử liên bang về vụ việc này sẽ diễn ra trong năm tới.

Cùng ngày, Transocean cũng nộp đơn kiện BP, Cameron và nhiều đơn vị có liên quan vì đã gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của họ trong vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon. Một trong những đề nghị của Transocean là đòi BP bồi thường 12,9 triệu USD, trong khi nhà thầu ximăng Halliburton và một số công ty khác phải bồi thường 20 triệu USD.

Nhân dịp tròn một năm xảy ra vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết làm "bất cứ điều gì cần thiết" để khôi phục môi trường sinh thái ở khu vực Vịnh Mexico.

Trong một tuyên bố, ông Obama cam kết sẽ buộc tập đoàn BP và các bên liên quan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về "những thiệt hại và mất mát đau đớn" do họ gây ra. Tuy nhiên, ông Obama cũng nhấn mạnh đến các nỗ lực khôi phục đang tiếp tục được tiến hành. Vào thời kỳ đỉnh điểm trong nỗ lực ngăn chặn và khôi phục Vịnh Mexico, đã có gần 48.000 công nhân làm việc không biết mệt mỏi để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của vụ tràn dầu và hiện nay vẫn còn khoảng 2.000 công nhân đang tiếp tục công việc làm sạch vùng Vịnh.

Nhận định về tình trạng môi trường sinh thái hiện nay tại Vịnh Mexico, giới chức địa phương Mỹ cho biết còn quá sớm để đánh giá những thiệt hại lâu dài mà sự cố tràn dầu gây ra cho hệ sinh thái phong phú và đa dạng ở khu vực này. Hiện vẫn còn lượng lớn dầu (tương đương hàng triệu thùng dầu) đang trôi nổi trên Vịnh Mexico. Tuy nhiên, tình hình đang dần được cải thiện. Các hoạt động thăm dò dầu khí và du lịch đã được nối lại.

Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon đã khiến 11 công nhân thiệt mạng và làm loang một lượng dầu kỷ lục 4,9 triệu thùng ra khu vực Vịnh Mexico. Dầu từ giàn khoan bị chìm đã không ngừng chảy ra đại dương trong vòng 3 tháng trước khi miệng giếng dầu được bịt lại.

Thảm họa tràn dầu này lớn gấp 19 lần so với sự cố gây ra bởi tàu chở dầu Valdez của Exxon năm 1989 và chỉ đứng sau sự cố giếng dầu phun ở California năm 1910.

Vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico đã gây ra những tác động tàn phá đối với các cư dân khu vực duyên hải vùng Vịnh, hệ sinh thái, các ngành công nghiệp du lịch và hải sản có tầm quan trọng sống còn đối với khu vực.

Tập đoàn BP của Anh đã bị thiệt hại 40,9 tỷ USD do các chi phí liên quan đến vụ tràn dầu, bao gồm cả 13,6 tỷ USD cho những phản ứng ban đầu. BP cũng đã lập ra một quỹ ủy thác trị giá 20 tỷ USD để giải quyết những yêu cầu bồi thường của các ngư dân và những người bị ảnh hưởng bởi vụ tràn dầu.

Tuy nhiên, trong báo cáo hàng năm, BP cho biết vẫn chưa thể ước tính được số tiền cuối cùng phải bồi thường vì tập đoàn năng lượng khổng lồ này còn đang đối mặt với những khoản phạt nặng nề từ chính phủ Mỹ, chưa kể tới chi phí khôi phục những thiệt hại môi trường ở Vịnh Mexico./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục