Bước ngoặt chiến lược của Nga trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ

Tổng thống Nga muốn ổn định lại thị trường dầu mỏ tbằng cách cắt giảm sản lượng khai thác. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại xảy ra bước ngoặt chiến lược này và tình huống này đã diễn ra như thế nào?

Tác giả Gérard Vespierre, Giám đốc nghiên cứu kiêm Chủ tịch hội đồng chiến lược Quỹ nghiên cứu Trung Đông (FEMO), đã có bài phân tích về những thay đổi chiến lược của Nga trong cuộc khủng hoảng giá dầu vừa qua.

Theo bài viết, để đáp lại "lời từ chối" của Xứ Bạch dương vào ngày 6/3 về việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu, Saudi Arabia đã ngay lập tức hạ giá “vàng đen." Kết quả là giá dầu đã tuột dốc không phanh.

Bốn tuần sau, Tổng thống Nga muốn ổn định lại thị trường dầu mỏ thế giới bằng cách cắt giảm sản lượng khai thác. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại xảy ra bước ngoặt chiến lược này và tình huống này đã diễn ra như thế nào?

Bước ngoặt chiến lược của Nga trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quyết định của Điện Kremlin từ chối tham gia nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ vào ngày 6/3 vừa qua đã tạo ra một tình huống mới trên thị trường dầu mỏ thế giới. Việc cắt giảm sản lượng khai thác Riyadh đề xuất là nhằm khấu trừ mức giảm tiêu thụ của Trung Quốc và duy trì giá dầu ổn định.

Tuy nhiên, Nga và đặc biệt là Igor Setchine - Chủ tịch của tập đoàn dầu mỏ Rosneft - đã quyết định phân phối lại bản đồ dầu mỏ. Bằng cách duy trì sản lượng và do đó làm giảm giá dầu, Nga đã công khai tuyên chiến với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Mục tiêu đã rõ ràng. Đó là tạo ra một tình huống thị trường với sản lượng cao và do đó giá thành phẩm thấp. Lựa chọn này sẽ khiến rất nhiều công ty dầu mỏ của Mỹ phá sản. Vậy làm thế nào và tại sao định hướng này của Nga ra đời?

Mục tiêu và chiến lược của Nga

Chủ tịch Igor Setchine đã chứng tỏ rất rõ ràng rằng Nga muốn làm gián đoạn sự tiến triển của thị phần Mỹ và thậm chí làm giảm sự tiến triển đó. Trên thực tế, thị phần của Mỹ đã tăng từ 7% đến hơn 14% trong 10 năm qua, gây thiệt hại đặc biệt cho Nga và Saudi Arabia. Giờ đây, sự biến mất của vài triệu thùng dầu mỗi ngày trong sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ khiến nước này mất nhiều thị phần, và Nga cùng với Saudi Arabia muốn lấy lại thị phần này vì lợi ích của họ.

Chiến lược đấu đá và chiến tranh này đã chính thức được tuyên bố từ quyết định ngày 6/3 vừa qua. Chiến lược này thậm chí cũng từng được công khai 48 giờ trước đó, vào cuối cuộc họp trù bị cuối cùng của Nga.

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Vladimir Putin, cuộc họp này diễn ra vào ngày 4/3 tại sân bay tại Moskva. Một trong những người tham gia đã tóm tắt khá rõ ràng tầm nhìn chung: "Chúng ta sẽ làm cho họ thấy." "Chúng ta," có nghĩa là Nga và "họ" chính là các công ty dầu đá phiến Mỹ.

Phải chăng chiến lược đối đầu với các công ty dầu đá phiến Mỹ lần này ra đời ngay trước thềm cuộc họp của OPEC? Hoàn toàn không phải. Hai tháng trước khi xảy ra "bất đồng" tại Vienna (Áo), Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak vào ngày 28/12/2019 đã nói rõ rằng “chúng ta không thể tiếp tục giảm sản lượng vô thời hạn. Chúng ta phải chuẩn bị cho những hướng đi mới trong năm tới." Tuyên bố này dường như có tầm quan trọng đặc biệt.

Thế nhưng, cho đến nay Tổng thống Vladimir Putin đang chứng minh cho một sự thay đổi mới trong chiến lược. Chính ông đã đề xuất giảm, thậm chí là rất đáng kể (10 triệu thùng mỗi ngày) sản lượng trên toàn thế giới. Tại sao có bước quay ngoặt như vậy chỉ trong có 4 tuần? Có nhiều lý do để giải thích sự lựa chọn mới này, bao gồm "thời điểm," nền kinh tế Nga và những khó khăn của các đồng minh.

Bước ngoặt chiến lược của Nga trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ ảnh 2Cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn Gazprom, Nga ở Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vào thời điểm chiến lược tăng mức sản lượng dầu của Nga được Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak đề cập vào cuối năm 2019, mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 hoàn toàn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, đến khi COVID-19 trở thành một cái tên gây nhức nhối chỉ trong một vài tuần sau đó, thị trường dầu mỏ đã giảm vượt quá 10 triệu thùng mỗi ngày.

[Lợi thế không ngờ của Nga trong cuộc chiến giá dầu]

Được lên kế hoạch trong một môi trường dầu mỏ thế giới bình thường và có tăng trưởng, quyết định của Nga đã được đưa ra trong bối cảnh của một thị trường thế giới “bất thường” và nền kinh tế thế giới suy thoái mạnh mẽ. Tình huống bất ngờ này đã tạo ra sự sụp đổ về giá dầu, chẳng hạn như dầu thô Brent đã giảm xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng trong 3 tuần liên tiếp. Rõ ràng, những ảnh hưởng đối với Nga trở nên không thể tránh khỏi...

Tác động đến nền kinh tế Nga

Các tuyên bố vào đầu tháng Ba của Nga thường nêu lại khái niệm về một biên độ phù hợp đối với nền kinh tế Nga và ngân sách được cân đối của mình trên cơ sở 42 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá dưới 30 USD/thùng đã tạo ra một tình huống không thể chấp nhận được.

Trong một bài báo xuất bản ngày 17/3 vừa qua trên tờ La Tribune (Pháp) có tựa đề: “Dầu mỏ: phải chăng Nga đã lường trước tất cả?”, các nhà phân tích đã chỉ ra một sự ngạc nhiên thực sự về mức ngang giá ngân sách này khi giá trung bình được thiết lập ở mức 69 USD/thùng năm 2018 và 65 USD/thùng vào năm 2019. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về giả thuyết cân bằng ngân sách, còn có rủi ro trước mắt đối với đồng tiền Nga và hậu quả ngay lập tức chính là sự trở lại của tình trạng lạm phát.

Bước ngoặt chiến lược của Nga trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ ảnh 3Đồng ruble của Nga. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Tác động của giá dầu đối với đồng ruble thực sự đã được biết đến kể từ 5 năm qua. Tác động này tuân theo một mối tương quan hoàn hảo với sự lên xuống của giá dầu. Được niêm yết ở mức 67 ruble đổi 1 euro vào đầu tháng 1/2020, đồng tiền Nga đã giảm xuống còn 88 ruble đổi 1 euro, và dừng ở mức 80 ruble vào ngày 9/4 vừa qua, tức là mất giá 16%.

Mức sụt giá này có thể chấp nhận được trong một vài ngày hoặc một vài tuần, nhưng không phải trong vài tháng, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng trên tất cả các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, Nga cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng dầu mỏ mà nước này đã gây ra.

Những hậu quả tài chính và kinh tế liên quan đã được phản ánh trong truyền thông Nga. Ban đầu, những ông chủ của các tập đoàn dầu khí lớn lên tiếng, chẳng hạn như Igor Setchine, Chủ tịch tập đoàn Rosneft. Đến nay, đến lượt các nhà tài chính cũng lên tiếng, đặc biệt là Kirill Dimitriev, Chủ tịch Quỹ đầu tư nhà nước của Nga.

Ngay sau hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng Ba, Chủ tịch Kirill Dmitriev đã khẳng định rằng nếu các quốc gia khác tham gia sáng kiến (cắt giảm sản lượng), một thỏa thuận mới trong khuôn khổ OPEC+ sẽ có thể được tính đến và "hành động chung giữa các quốc gia là cần thiết để khôi phục nền kinh tế thế giới."

Khó khăn của các đồng minh Nga

Tuy nhiên, Nga không phải là quốc gia duy nhất phải chịu hậu quả từ quyết định ngày 6/3. Algeria đặc biệt thân với Nga. Khó có thể tưởng tượng rằng những mối quan hệ đặc biệt này đã không được sử dụng để truyền đi một số thông điệp nhằm đẩy giá dầu đi lên. Algeria đã chứng kiến nhiều năm thâm hụt lượng nguồn ngoại tệ dự trữ được sử dụng để hỗ trợ cho tình hình kinh tế rất khó khăn. Kể từ năm 2015 và từ khi giá dầu giảm, hơn 100 tỷ USD đã bị “đốt cháy” theo nhịp từ 20 đến 25 tỷ USD mỗi năm. Đây là một gánh nặng quá lớn đối với nền kinh tế Bắc Phi.

[Toan tính của Saudi Arabia và Nga khi khơi mào cuộc chiến giá dầu]

Trong khi đó ở phía bên kia Đại Tây Dương, một đồng minh khác của Nga cũng đang ở trong tình trạng hết sức bấp bênh. Đó là Venezuela, một trong năm quốc gia sáng lập của OPEC, với lượng dầu xuất khẩu giảm mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ. Tình hình này cũng khó giữ vững được.

Không cần đi quá xa, như trường hợp Kazakhstan và Azerbaijan, vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu, lại thân với Moskva, nhưng cũng chỉ có thể yêu cầu một sự thay đổi chiến lược của Nga và tăng giá dầu.

Do đó, sự sụp đổ của giá dầu dưới các mức dự kiến, nhu cầu kinh tế nội địa và áp lực từ bên ngoài đã giải thích cho sự thay đổi nhanh chóng trong tiến trình thay đổi chiến lược của Kremlin. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến sự khẩn trương vào cuộc và sức mạnh phản ứng của Saudi Arabia đối với quyết định của Nga ngày 6/3.

Chiến lược “thách thức” của Saudi Arabia

Điều đáng nói là tất cả các chuyên gia và quan sát viên thị trường dầu mỏ đều ngạc nhiên hơn về phản ứng của Saudi Arabia. Vài giờ sau quyết định của Nga vào ngày 6/3, Riyadh thực sự đã công bố câu trả lời, một là giảm giá ngay lập tức và thông báo tăng sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ ngày 1/4. Phản ứng nhanh chóng và sức mạnh của Saudia Arabia có lẽ đã gây ra sự sụt giảm ngay lập tức giá dầu trên thị trường quốc tế. Đây là mục đích mà nước này mong muốn.

Điều này khiến Moskva rơi vào bẫy chiến lược của chính mình. Đây là mục tiêu khác. Trong vòng chưa đầy ba tuần, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng ông đã ủng hộ việc giảm sản lượng - điều mà ông đã từ chối vào ngày 6/3, do đó tất nhiên thay đổi 180 độ.

Bước ngoặt chiến lược của Nga trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ ảnh 4Toàn cảnh nhà máy chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiến lược "thách thức" của Saudi Arabia đã thành công trong vòng chưa đầy một tháng. Các nhà đàm phán Nga đã quay trở lại bàn đàm phán với mong muốn đàm phán giảm sản lượng khai thác. Những sự thật này trái ngược với những bình luận của nhà sử học, kinh tế học và chuyên gia thị trường nguyên vật liệu Pháp Philippe Chalmin khi mô tả chiến lược của Saudi Arabia là "vô trách nhiệm". Ngược lại, chiến lược này hoàn toàn thành công và Riyadh đã đạt được mục tiêu của mình là thay đổi 180 độ chiến lược của Nga, cũng như đưa Moskva trở lại các cuộc đàm phán cắt giảm sản lượng.

Sự can thiệp của Mỹ

Trong khi đó, đối với Mỹ, Washington rất quan tâm đến việc giá dầu tăng trở lại đáng kể. Tổng thống Mỹ đã đề cập nhiều đến hiện tượng này trên Twitter từ tuần trước. Nhưng cấu trúc tự do và phi tập trung của Mỹ trái ngược với cấu trúc của "xã hội nhà nước" của Nga và Saudi Arabia. Luật chống độc quyền khiến cho bất kỳ quyết định nào của Tổng thống, hoặc Chính phủ, độc đoán và theo ngạch dọc đều không thể thực hiện được.

Những dấu hiệu đầu tiên đến từ sự sụt giảm về số lượng máy khoan kể từ giữa tháng Ba. Từ 815 chiếc số lượng máy khoan của Mỹ giảm xuống 603 chiếc (ghi nhận vào ngày 9/4) chỉ trong ba tuần, tức giảm 26%. Đồng thời, sản lượng dầu của Mỹ lần đầu tiên giảm mạnh 600.000 thùng, xuống còn 12,4 triệu thùng/ngày, theo thống kê được công bố vào ngày 8/4. Do đó, Mỹ không trắng tay trong các cuộc đàm phán để giảm sản lượng.

Ngoài ra, còn có khả năng các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa cấu trúc tập hợp các nhà sản xuất với chính quyền Nga, và các cuộc trao đổi như vậy đã diễn ra.

Luật chống độc quyền của Mỹ không cấm “nói chuyện” với Nga... Do đó, các quyết định quan trọng đối với toàn bộ ngành dầu khí thế giới đang được đưa ra. Không phải bởi OPEC, cũng không phải OPEC + mà là bởi một OPEC ++. Một kết quả, chắc chắn kịp thời, nhưng đó cũng là một kết quả mà Nga chắc chắn không lường trước được khi đưa ra quyết định vào ngày 6/3./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục