Bước ngoặt trong các cuộc biểu tình ở Pháp khi sinh viên tham gia

Giới trẻ Pháp đặc biệt phẫn nộ trước sự kiểm soát chặt chẽ mà chính quyền đặt lên các cuộc biểu tình và hơn 90.000 người trẻ đã bày tỏ dự định tham gia các cuộc tuần hành trên đường phố.
Bước ngoặt trong các cuộc biểu tình ở Pháp khi sinh viên tham gia ảnh 1Người dân tham gia cuộc biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí tại Bordeaux, Pháp, ngày 28/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ở Pháp mà Tổng thống Emmanuel Macron đang đối mặt có thể được đo lường bằng số lượng rào chắn quanh các trường đại học, và các cuộc tụ tập đông đảo của sinh viên đang ngày một tăng lên, nơi những người trẻ giận dữ đã rủ nhau xuống đường để thúc đẩy hoạt động biểu tình.

Theo nhận định của trang tin Guardian, trước đó, chính quyền Pháp có thể vẫn cảm thấy yên tâm khi đa phần người trẻ vẫn tránh xa khỏi các cuộc biểu tình đã kéo dài 2 tháng qua, do các công đoàn phát động nhằm chống lại kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của ông Macron.

Nhưng những cuộc biểu tình trong ngày 28/3 đã cho thấy sự tức giận và làn sóng chống lại ông Macron đã lớn đến thế nào, sau khi ông sử dụng quyền đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua sự thay đổi về tuổi nghỉ hưu, mà không cần quốc hội bỏ phiếu.

Giới trẻ Pháp đặc biệt phẫn nộ trước những gì được coi là sự kiểm soát chặt chẽ mà chính quyền đặt lên các cuộc biểu tình. Hơn 90.000 người trẻ đã bày tỏ dự định tham gia tuần hành trên đường phố trong ngày 28/3, tăng gấp ba lần so với tuần trước.

Hàng chục trường học đã bị phong tỏa, bao gồm cả những ngôi trường không hay xảy ra biểu tình, chẳng hạn như La Rochelle ở miền Tây nước Pháp. Thanh thiếu niên đã chất đống nhiều thùng rác để phong tỏa các trường trung học ở Paris và những thành phố khác.

Sự hiện diện của các đối tượng 17-18 tuổi đã khiến cho chiến lược trị an tại Pháp trở nên phức tạp hơn.

Sự phẫn nộ của học sinh, sinh viên đang ngày một tăng lên. Một số nói rằng họ đã cố gắng xoay sở để vượt qua các đợt phong tỏa thời kỳ đại dịch COVID-19, để rồi phải đối mặt với nỗi lo rằng mạng lưới an sinh xã hội và hệ thống lương hưu vốn rất tốt của nhà nước đang bị hủy hoại dần dần, đe dọa tương lai của họ và cha mẹ.

Victor Mendez, sinh viên ngôn ngữ tại Đại học Nanterre ở ngoại ô Paris, chia sẻ: “Chúng tôi luôn nghĩ rằng chỉ có cách xuống đường (biểu tình) mới có thể giành được các bảo trợ xã hội từ chính phủ và đảm bảo các quyền lợi xã hội của mình… Chính quyền này là chính quyền của người giàu, tầng lớp 'ông trùm,' triệu phú. Chỉ đơn giản là như vậy.”

Vấn đề của Tổng thống Macron là ông đã không thể đưa ra một lộ trình rõ ràng để thoát khỏi tình hình hiện nay. Ông Macron từ chối từ bỏ những thay đổi mình đối với hệ thống lương hưu, trong khi uy tín của ông với vai trò là một nhà cải cách phụ thuộc vào chúng.

Ông Macron dường như đang cố câu giờ, cho rằng công chúng cuối cùng sẽ hết kiên nhẫn với hoạt động phá hoại của một bộ phận người biểu tình.

Nhưng giống như các cuộc biểu tình “áo gile vàng” hồi năm 2018 và 2019, sự phẫn nộ đang dồn vào người lãnh đạo đất nước. Ngay cả khi ông Macron loại bỏ Thủ tướng Élisabeth Borne và cải tổ nội các thì những động thái này vẫn khó được người biểu tình chấp nhận.

Vấn đề thực sự đối với ông Macron, người tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào mùa Xuân năm ngoái sau khi đối đầu với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, là nhóm trung dung của ông đã nhanh chóng mất đa số tuyệt đối tại cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 năm ngoái, trong bối cảnh phe cực hữu và cực tả giành được ưu thế.

Điều này khiến chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các đạo luật. Việc giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm không phải là lựa chọn khả thi, vì các cuộc thăm dò cho thấy phe trung dung của Macron có thể sẽ đối mặt với một kết quả tệ hơn hiện nay, trong khi đảng của Le Pen có thể giành thắng lợi và phe cực tả sẽ giữ được ổn định.

Cuộc khủng hoảng về lương hưu chỉ là dấu hiệu cho thấy các dự luật khác do chính phủ đề xuất sẽ khó được thông qua như thế nào.

[740.000 người tham gia làn sóng biểu tình mới trên toàn nước Pháp]

6 năm trước, ông Macron lên nắm quyền với tư cách là một lãnh đạo trẻ tuổi, hứa hẹn sẽ giúp người dân Pháp ở các phe phái khác nhau trở nên hòa hợp hơn. Nhưng niềm tin vào chính trị đang bị lung lay.

Niềm tin vào hệ thống nhà nước ở Pháp đang ở mức thấp nhất kể từ các cuộc biểu tình “áo gile vàng,” theo một cuộc thăm dò gần đây của trung tâm nghiên cứu chính trị Science Po Cevipof.

Không giống như tại Đức hay Italy, người dân Pháp nhìn nhận chính trị bằng sự ngờ vực, cho rằng các chính trị gia “khá tham nhũng” hoặc chỉ “phục vụ lợi ích của chính họ.”

Bước ngoặt trong các cuộc biểu tình ở Pháp khi sinh viên tham gia ảnh 2Người dân tham gia biểu tình phản đối cải cách hưu trí tại Strasbourg, Pháp, ngày 28/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi ông Macron tái đắc cử vào tháng 4 năm ngoái, một phần phiếu bầu của ông đến từ phe cánh tả - những người không tán thành Macron hay các chương trình của ông, nhưng muốn loại trừ Le Pen.

Macron thừa nhận điều này và hứa sẽ làm chính trị theo cách thức mới mẻ, với nhiều sự tham vấn hơn. Nhưng những người biểu tình đã không thấy lời hứa này thành hiện thực.

Điều quan trọng là những rắc rối trong nước đã lần đầu tiên ảnh hưởng đến chương trình nghị sự ngoại giao quốc tế của Macron.

Quyết định của Vua Charles (Anh) hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp là sự kiện chưa có tiền lệ, đã tạo ra những tổn hại uy tín cho nước Pháp, theo nhận định của tờ Le Monde.

Tỷ lệ ủng hộ ông Macron hiện đã giảm xuống 28%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng “áo gile vàng.” Nhưng Macron nói rằng ông chấp nhận “việc không được ủng hộ rộng rãi,” như hệ quả của việc thông qua quyết định tăng tuổi hưởng lương hưu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục