Cà Mau gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản - ngành kinh tế mũi nhọn

Các nước điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ, nguồn cung thủy sản đồi dào chính là những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau sụt giảm.
Cà Mau gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản - ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2015, năm nay các ngành chức năng, doanh nghiệp tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nhằm đưa ngành thủy sản đi lên, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

“Hụt hơi” vì đâu?

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ đạt gần 1,1 tỷ USD, bằng 78% kế hoạch và giảm 19,6% so với năm 2014.

Theo các ngành chức năng thì nguyên nhân chính khiến cho việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu là do các nước điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ.

Trong năm 2015, nhiều quốc gia thực hiện nhiều đợt điều chỉnh tỷ giá, giảm giá so với đồng USD như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.

Từ đó, giá bán tôm của Việt Nam đắt hơn giá bán tôm của các nước nói trên. Điều này cũng kéo theo sức mua tại các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… sụt giảm mạnh.

Một nguyên nhân nữa là do nguồn cung thủy sản trên thị trường thế giới dồi dào; trong đó, Trung Quốc tăng 500.000 tấn, Ấn Độ tăng 130.000 tấn, Indonesia tăng 100.000 tấn, Thái Lan tăng 80.000 tấn, Ecuador tăng 50.000 tấn, dẫn đến việc cạnh tranh giảm giá ngày càng quyết liệt để giành thị phần, làm giá tôm giảm mạnh.

Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam lại cao hơn các nước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thì so với Việt Nam, nuôi tôm ở Ấn Độ có lợi thế giá thức ăn rẻ hơn 30%, giá giống rẻ hơn 50%, tỷ lệ nuôi thành công đạt 70% (Việt Nam đạt thấp hơn). Vì thế, giá tôm của Ấn Độ đang rẻ hơn giá tôm Việt Nam 1-3 USD/kg (tương ứng với 10-30%).

Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), nhận định: “Năm 2015, tình hình chế biến và xuất khẩu thuỷ sản hết sức khó khăn, làm cho ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản sụt giảm mạnh. Đây là tình hình chung của ngành thủy sản cả nước, không riêng gì Cà Mau. Trong khi đó yêu cầu đặt ra của các nước nhập khẩu ngày càng gắt gao."

Bên cạnh đó, dù tình hình khó khăn của các doanh nghiệp từ những năm 2013 đến nay đã dần phục hồi. Nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu vốn trầm trọng, đặc biệt là những doanh nghiệp nhóm 2 (nhóm vẫn duy trì sản xuất nhưng năng lực tài chính yếu).

Mặt khác, chi phí đầu vào tăng cao làm cho nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên và điều này cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh cho thủy sản xuất khẩu như: giá tôm nguyên liệu, giá điện, lương, bảo hiểm xã hội, bao bì, cước vận chuyển.

Tập trung mô hình năng suất, chất lượng cao

Hiện nay, giá tôm đã tăng trở lại, người nuôi có lãi, nhưng sản lượng tôm nguyên liệu đang thiếu hụt để phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản sớm lấp đầy diện tích nuôi tôm công nghiệp hiện có. Song song là việc kiểm soát chặt chẽ giá cả vật tư đầu vào, chuyển giao, nhân rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh con tôm Cà Mau.

Theo VASEP, các doanh nghiệp nhóm 2 đang gặp nhiều khó khăn về vốn lưu động, không đủ vốn để phục vụ sản xuất thì đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh có hướng chỉ đạo, can thiệp các ngân hàng xem xét nới rộng mức dư nợ tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.

Về phía các doanh nghiệp nên lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể, hiệu quả và cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm, trả nợ đúng hạn.

Năm 2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo ngành chuyên môn cần tập trung hướng dẫn cho người dân thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản có năng suất, chất lượng cao nhưng giảm giá thành sản xuất, nhằm thích ứng với diễn biến giá tôm trên thị trường, chú trọng xây dựng các mô hình tổ chức liên kết chuỗi sản xuất ngành hàng tôm.

Bên cạnh đó còn xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng giống, thức ăn, vật tư có chất lượng với các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ nuôi để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm.

Ngay từ đầu năm, ở các địa phương trọng điểm về kinh tế nuôi trồng thủy sản trong tỉnh như: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân… đã bắt đầu có sự chủ động triển khai kế hoạch phát triển ngành thủy sản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi, ông Nguyễn Chí Thuần chia sẻ: “Huyện Đầm Dơi hiện có hơn 62.000ha nuôi trồng thủy sản; trong đó phần lớn được người dân nuôi theo hình thức truyền thống là tôm-cua-cá kết hợp. Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích."

Với những tồn tại đã được chỉ ra, giải pháp cho năm 2016 đã được hoạch định cụ thể. Hy vọng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau sẽ đạt kế hoạch đề ra làm tiền đề quan trọng cho năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục