Cà Mau: Khơi dòng phát triển hạ tầng giao thông cho phát triển KT-XH

Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Cà Mau ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cà Mau: Khơi dòng phát triển hạ tầng giao thông cho phát triển KT-XH ảnh 1Một góc thành phố Cà Mau. (Nguồn: camau.gov.vn)

Được đánh giá là một địa phương có nhiều tiềm năng để thu hút, mời gọi đầu tư, đặc biệt là những ưu thế riêng có như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên.

Tuy vậy, trong nhiều năm qua, cùng với hàng loạt những nút thắt chưa được tháo gỡ, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng là “điểm nghẽn” khiến Cà Mau kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Quy mô nền kinh tế Cà Mau vốn nhỏ thì nay lại đang có dấu hiệu tụt hậu so với các địa phương khác.

Nhận diện các “nút thắt”

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Cà Mau xác định sẽ tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả.

Trong số đó, địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, Cà Mau hiện chỉ có khoảng 220km đường quốc lộ (chiếm 1,46% tổng chiều dài), đường tỉnh lộ là khoảng 337km (chiếm 2,24% tổng chiều dài).

Bình quân, mật độ giao thông đường bộ quốc lộ là 0,22 km/1.000 dân và 0,042 km/km2 (so với khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long là 0,07 km/km2); mật độ giao thông đường tỉnh đạt 0,34 km/1.000 dân và 0,065 km/km2 (so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 0,12 km/km2).

[Tỉnh Cà Mau tạo điểm nhấn phát triển kinh tế từ thu hút đầu tư]

Về vấn đề này, ông Hồ Hoàng Tất, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau, nhận định qua so sánh chỉ số km/km2 và km/1.000 người dân có thể khẳng định là độ bao phủ của hệ thống và khả năng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân còn thấp, đặc biệt là hệ thống đường tỉnh.

“Ðiều này cho thấy sự liên kết giữa các huyện trong tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào một số tuyến đường độc đạo, tỷ lệ chia sẻ lưu lượng còn hạn chế. Việc kết nối đường bộ chủ yếu là tới các điểm dân cư tập trung, còn việc vận chuyển, thu gom hàng hoá từ các khu vực sản xuất/thu hoạch nông sản thì lại phân tán và chủ yếu bằng đường thuỷ nội địa. Dù vậy, khả năng kết nối để chia sẻ, hỗ trợ giữa hai loại hình vận tải thuỷ - bộ thông qua các đầu mối giao thông vận tải còn nhiều hạn chế do hệ thống cảng thuỷ nội địa, cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, kho bãi hàng hoá chưa được quan tâm và đầu tư một cách có hệ thống…” - ông Hồ Hoàn Tất phân tích.

Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hạ tầng giao thông yếu kém đang là lực cản lớn nhất trong thu hút đầu tư của Cà Mau hiện nay. Bởi theo tính toán định hướng quy hoạch đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải khoảng 14.000 ha, tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 81.500 tỷ đồng.

Dù vậy, con số đưa ra chỉ mới đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển đang rất nhanh của xã hội, và cũng chỉ dừng lại ở việc tránh tụt hậu so với bình quân chung của vùng.

Vấn đề khác, một trong những định hướng phát triển kinh tế chính của tỉnh Cà Mau là xác định phát triển công nghiệp thuộc những ngành tỉnh có thế mạnh, như: chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác mời gọi đầu tư vẫn còn diễn ra phổ biến tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như tỉnh hiện có 13 cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt; trong đó, chỉ có cụm công nghiệp ở phường 8, thành phố Cà Mau, đã lấp đầy 100% do các nhà đầu tư tự thoả thuận mua đất và triển khai dự án, cụm công nghiệp Hòa Thành, thành phố Cà Mau hiện đang mời gọi các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng (đang kiến nghị di dời sang địa điểm mới) thì 11 cụm công nghiệp còn lại chưa có nhà đầu tư hạ tầng.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên vẫn là do chưa có quỹ đất sạch; yếu tố địa hình dẫn đến chi phí đầu tư tương đối cao hơn so với các khu vực khác. Việc hỗ trợ, định hướng cho các nhà đầu tư lựa chọn vị trí thực hiện dự án trong các cụm công nghiệp là chưa khả thi và xét thấy hầu như không có vị trí phù hợp.

Thông tin chung về vấn đề này, ông Hứa Minh Hữu, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cà Mau phân tích trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ thì chi phí đầu tư ở địa phương luôn thuộc vào loại cao nhất cả nước.

Bởi các khu kinh tế, khu công nghiệp phần lớn đều ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, hiệu quả đầu tư của dự án không cao nên rất khó thu hút đầu tư hạ tầng, mà chủ yếu từ nguồn ngân sách.

Từ đó, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng tiện ích xã hội, nhà máy xử lý nước thải tập trung do thiếu vốn chưa được đầu tư… Đặc biệt, nguồn vốn tạo quỹ đất sạch chưa có, nên rất khó khăn trong công tác thu hút đầu tư.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết dù đã thành lập nhiều khu công nghiệp, nhưng đường vào lại không có hoặc rất hạn chế.

Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư đến địa phương nhưng cũng chỉ dừng lại ở bước tìm hiểu, chưa mạnh dạn triển khai thực hiện dự án. “Cà Mau dù được xác định là 1 trong 4 trục kinh tế trọng điểm, động lực của vùng Ðồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, chẳng có cơ chế đặc thù nào được ưu tiên, áp dụng nên chưa đủ sức hút đối với các nhà đầu tư tiềm năng,” ông Nguyễn Đức Thánh nhận định.

Khơi dòng phát triển

Với quan điểm lấy đầu tư công dẫn dắt, tạo nền tảng vững chắc trong các hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế lớn để “khơi dòng” phát triển cho tương lai.

Cà Mau: Khơi dòng phát triển hạ tầng giao thông cho phát triển KT-XH ảnh 2Đường băng ở Cảng Hàng không Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Đặc biệt, để các hoạt động thu hút, mời gọi đầu tư trong thời gian tới được đồng bộ, thông suốt, Cà Mau mong muốn Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với tầm nhìn chiến lược đó, Cà Mau sẽ tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt làm điều kiện, nền tảng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Đồng thời, hướng tới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; huy động cao nhất các nguồn lực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030. Từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hướng các giá trị mới cho tỉnh Cà Mau trong thời kỳ quy hoạch.

Cụ thể, tỉnh Cà Mau đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển Tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không); hạ tầng đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng du lịch.

Tỉnh hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế theo hướng Bắc-Nam (từ thành phố Cà Mau đến Ðất Mũi) và hướng Ðông-Tây (từ xã Tân Thuận đến thị trấn Sông Ðốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 5 cực tăng trưởng (thành phố Cà Mau, thị trấn Năm Căn, thị trấn Sông Ðốc, xã Tân Thuận, xã Ðất Mũi).

Trong buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ Cà Mau là địa phương còn nghèo, quy mô ngân sách nhỏ, phải hưởng trợ cấp từ Trung ương nên "nút thắt" không chỉ nhiều mà còn tồn lại khá lâu.

Trong số đó, hạ tầng giao thông từ lâu đã là điểm nghẽn, nút thắt trong quy hoạch và phát triển của tỉnh, nhất là kinh tế biển - một thế mạnh còn rất nhiều tiềm năng cần khai thác.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải gợi mở hãy thay đổi cách nhìn về Cà Mau để làm động lực phát triển. “Không nhìn Cà Mau là điểm cuối, về sau, mà là điểm đầu cực Nam Tổ quốc, từ đó mở ra xu thế hội nhập. Đó không chỉ là cảng biển, là sân bay… đang rất cần những giải pháp mang tầm nhìn chiến lược để tháo gỡ mà còn để đảm bảo mọi mặt về quốc phòng, an ninh, cả về an ninh năng lượng của đất nước trong tình hình mới.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục