Đại diện Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết tính đến ngày 10/1/2024, đã có 50/63 tỉnh, thành phố trực đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn.
Các tỉnh, thành phố đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp gồm: Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Tại miền Trung và Tây Nguyên có 15 địa phương đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, gồm: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắc Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
Các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Bộ đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, bao gồm: Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Như vậy, tính đến nay, cả nước chỉ còn 13 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá, bao gồm: Hòa Bình, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Quản trị Tài nguyên Nước Quốc gia: Quyết sách lớn giữ ‘mạch nguồn’ sự sống
Luật Tài nguyên Nước 2023 được đánh giá là bước tiến rất lớn về tư duy, cách thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, qua đó góp phần nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên Nước, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp cũng là cơ sở để bảo vệ “lá phổi Xanh,” nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, việc hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp cũng đã làm giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa; gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô…
Nhận thức tầm quan trọng trên, ngày 10/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 3129/BTNMT-TNN, gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, theo quy định của Luật Tài nguyên Nước năm 2012.
Đến ngày 24/3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 1493/BTNMT-TNN gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp./.