Ca trù cổ Thăng Long-Hà Nội sẽ tồn tại ra sao trong bối cảnh không có "đất diễn," khán giả không mấy mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và với ca trù nói riêng hiện nay?
Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà nghiên cứu, quản lý và các nghệ sỹ sân khấu đặt ra, thảo luận trong buổi tọa đàm “Bàn về giải pháp bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức chiều nay (21/12).
Ai quan tâm đến các nghệ nhân?
Ca trù, hay còn gọi là Hát ả đào, là loại hình nghệ thuật truyền thống rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước.
Tháng 10/2009, nghệ thuật ca trù Việt Nam đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, ca trù nói chung và ca trù ở Hà Nội nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một. Các nghệ nhân, những người một đời đeo đẳng với ca trù chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý có trách nhiệm.
Theo giáo sư-tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: “Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa ca trù thì trước hết phải có con người, bởi với loại hình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp này, không thể chỉ bảo tồn trên sách vở, ghi chép lại các tư liệu.”
Thế nhưng, theo giáo sư, có một thực tế đáng buồn là: Đối với những người lưu giữ cả một gia tài di sản của cha ông để lại đó, chưa hề có một chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Giáo sư nói: “Bao nhiêu lâu nay, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho các nghệ nhân nhưng vẫn chưa được giải quyết.”
Đau xót hơn, “có những cụ nghệ nhân ốm không biết, qua đời không ai hay như cụ Nguyễn Phú Đẹ. Các cụ qua đời rồi thì việc tôn vinh sau đó cũng chỉ là hoa mỹ thôi. Chúng ta cần phải có những sự quan tâm thiết thực tới đời sống của các nghệ nhân,” nghệ sỹ Bạch Vân (Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm.
[Ngày hội ca trù truyền thống: Thưa vắng khán giả trẻ]
Theo các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ, mỗi nghệ nhân “trầm tích” trong mình rất nhiều vốn quý cha ông để lại. Muốn phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù thì không thể không dựa vào các nghệ nhân.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn nói: “Đã lâu rồi chúng tôi thấy vắng bóng các ban ngành lãnh đạo về thăm hỏi các cụ nghệ nhân. Các cụ luôn nhiệt tình truyền nghề cho các thế hệ sau. Nhưng khi lòng nhiệt thành đó sau bao năm không được ghi nhận, động viên thì sẽ dần vợi bớt. Đó là điều chắc chắn!”
Trước những yêu cầu, kiến nghị đầy tâm huyết từ phía các nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “Bắt đầu từ năm 2013, Quỹ Văn hóa Hà Nội sẽ đảm nhận trách nhiệm lo chế độ bảo hiểm cho các nghệ nhân.”
Cần một nhà hát di sản
Cùng với đó, vấn đề về không gian cho loại hình nghệ thuật đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể này đã trở thành nội dung chính của buổi tọa đàm.
Đại diện các câu lạc bộ, giáo phường ca trù trên địa bàn Hà Nội có mặt trong buổi tọa đàm ngày hôm nay đều đồng nhất ý kiến cho rằng, ca trù còn quá ít “đất diễn.”
Bởi thế mới có chuyện, hiện nay, hai cụ nghệ nhân còn lại của Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn nói rằng, họ muốn trả lại danh hiệu nghệ nhân dân gian vì có danh hiệu mà cảm thấy không làm được gì để bảo tồn, phát huy vốn ca trù cổ.
Cùng với đó, các ca nương, kép đàn ở đơn vị này tự đặt câu hỏi: “Cứ học, khổ luyện như vậy rồi sẽ diễn cho ai xem?” Thật hiếm hoi mới có một dịp liên hoan để họ được biểu diễn.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã kiến nghị: Nên có một nhà hát di sản cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có ca trù.
“Tôi đã sang Nhật Bản và thấy họ có một nhà hát như vậy dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhà hát chỉ có 300 chỗ ngồi và không hề có ghế, tất cả đều ngồi dưới đất nhưng vẫn thu hút được rất đông người xem,” giáo sư nói.
Còn ở Việt Nam, các nghệ sỹ vẫn đang loay hoay tìm điểm diễn. Hơn nữa, khi có “đất diễn” thì sẽ có nhiều cơ hội để tìm lại các nghệ nhân, phát hiện ra thêm các “hạt giống” cho ca trù.
Cùng với đó, ca trù sẽ thu hút được khán giả. "Đây là một hình thức đào tạo khán giả. Bởi lẽ, phải diễn, phải để công chúng bây giờ được xem thì dần dần, họ mới hiểu và cảm nhận được cái hay của loại hình nghệ thuật này. Từ đó, chúng ta mới có thể lôi kéo khán giả trở lại với ca trù," ông Thanh nói.
Đây là bài học được nghệ sỹ Bạch Vân, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Vũ Trường Giang cùng rút ra sau các kỳ liên hoan.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác để bảo tồn ca trù Hà Nội cũng đã được đưa ra như: Sử dụng phương tiện quay hình, ghi tiếng lại những chương trình biểu diễn nghệ thuật ca trù và tài trợ cho người nghiên cứu sâu về ca trù.
“Nếu có những người nghiên cứu sâu về lý thuyết, chuyên môn và có được khối tư liệu như vậy thì việc sau này, chúng ta phục dựng lại các làn điệu, thể cách của ca trù không hề tốn kém,” ông Giang phân tích.
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012./.
Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà nghiên cứu, quản lý và các nghệ sỹ sân khấu đặt ra, thảo luận trong buổi tọa đàm “Bàn về giải pháp bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức chiều nay (21/12).
Ai quan tâm đến các nghệ nhân?
Ca trù, hay còn gọi là Hát ả đào, là loại hình nghệ thuật truyền thống rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước.
Tháng 10/2009, nghệ thuật ca trù Việt Nam đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, ca trù nói chung và ca trù ở Hà Nội nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một. Các nghệ nhân, những người một đời đeo đẳng với ca trù chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý có trách nhiệm.
Theo giáo sư-tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: “Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa ca trù thì trước hết phải có con người, bởi với loại hình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp này, không thể chỉ bảo tồn trên sách vở, ghi chép lại các tư liệu.”
Thế nhưng, theo giáo sư, có một thực tế đáng buồn là: Đối với những người lưu giữ cả một gia tài di sản của cha ông để lại đó, chưa hề có một chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Giáo sư nói: “Bao nhiêu lâu nay, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho các nghệ nhân nhưng vẫn chưa được giải quyết.”
Đau xót hơn, “có những cụ nghệ nhân ốm không biết, qua đời không ai hay như cụ Nguyễn Phú Đẹ. Các cụ qua đời rồi thì việc tôn vinh sau đó cũng chỉ là hoa mỹ thôi. Chúng ta cần phải có những sự quan tâm thiết thực tới đời sống của các nghệ nhân,” nghệ sỹ Bạch Vân (Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm.
[Ngày hội ca trù truyền thống: Thưa vắng khán giả trẻ]
Theo các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ, mỗi nghệ nhân “trầm tích” trong mình rất nhiều vốn quý cha ông để lại. Muốn phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù thì không thể không dựa vào các nghệ nhân.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn nói: “Đã lâu rồi chúng tôi thấy vắng bóng các ban ngành lãnh đạo về thăm hỏi các cụ nghệ nhân. Các cụ luôn nhiệt tình truyền nghề cho các thế hệ sau. Nhưng khi lòng nhiệt thành đó sau bao năm không được ghi nhận, động viên thì sẽ dần vợi bớt. Đó là điều chắc chắn!”
Trước những yêu cầu, kiến nghị đầy tâm huyết từ phía các nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “Bắt đầu từ năm 2013, Quỹ Văn hóa Hà Nội sẽ đảm nhận trách nhiệm lo chế độ bảo hiểm cho các nghệ nhân.”
Cần một nhà hát di sản
Cùng với đó, vấn đề về không gian cho loại hình nghệ thuật đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể này đã trở thành nội dung chính của buổi tọa đàm.
Đại diện các câu lạc bộ, giáo phường ca trù trên địa bàn Hà Nội có mặt trong buổi tọa đàm ngày hôm nay đều đồng nhất ý kiến cho rằng, ca trù còn quá ít “đất diễn.”
Bởi thế mới có chuyện, hiện nay, hai cụ nghệ nhân còn lại của Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn nói rằng, họ muốn trả lại danh hiệu nghệ nhân dân gian vì có danh hiệu mà cảm thấy không làm được gì để bảo tồn, phát huy vốn ca trù cổ.
Cùng với đó, các ca nương, kép đàn ở đơn vị này tự đặt câu hỏi: “Cứ học, khổ luyện như vậy rồi sẽ diễn cho ai xem?” Thật hiếm hoi mới có một dịp liên hoan để họ được biểu diễn.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã kiến nghị: Nên có một nhà hát di sản cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có ca trù.
“Tôi đã sang Nhật Bản và thấy họ có một nhà hát như vậy dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhà hát chỉ có 300 chỗ ngồi và không hề có ghế, tất cả đều ngồi dưới đất nhưng vẫn thu hút được rất đông người xem,” giáo sư nói.
Còn ở Việt Nam, các nghệ sỹ vẫn đang loay hoay tìm điểm diễn. Hơn nữa, khi có “đất diễn” thì sẽ có nhiều cơ hội để tìm lại các nghệ nhân, phát hiện ra thêm các “hạt giống” cho ca trù.
Cùng với đó, ca trù sẽ thu hút được khán giả. "Đây là một hình thức đào tạo khán giả. Bởi lẽ, phải diễn, phải để công chúng bây giờ được xem thì dần dần, họ mới hiểu và cảm nhận được cái hay của loại hình nghệ thuật này. Từ đó, chúng ta mới có thể lôi kéo khán giả trở lại với ca trù," ông Thanh nói.
Đây là bài học được nghệ sỹ Bạch Vân, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Vũ Trường Giang cùng rút ra sau các kỳ liên hoan.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác để bảo tồn ca trù Hà Nội cũng đã được đưa ra như: Sử dụng phương tiện quay hình, ghi tiếng lại những chương trình biểu diễn nghệ thuật ca trù và tài trợ cho người nghiên cứu sâu về ca trù.
“Nếu có những người nghiên cứu sâu về lý thuyết, chuyên môn và có được khối tư liệu như vậy thì việc sau này, chúng ta phục dựng lại các làn điệu, thể cách của ca trù không hề tốn kém,” ông Giang phân tích.
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012./.
Phương Mai (Vietnam+)