Cá voi trong công viên có quyền như con người?

Nhóm đấu tranh vì quyền lợi động vật đã đưa ra tòa án đòi xem xét những vật nuôi trong công viên giải trí cũng có quyền như người.
HTML clipboard Một tòa án cấp bang ở California, Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử quyết định xem những động vật nuôi trong các công viên giải trí có được bảo vệ với các quyền hiến pháp như con người hay không.

Vấn đề được đặt ra sau một vụ kiện của nhóm đấu tranh vì quyền động vật People for the Ethical Treatment of Animals (Những người đấu tranh vì đối xử đạo đức với động vật, hay PETA) tại một tòa án ở thành phố San Diego, đại diện cho năm con cá voi có tên gọi lần lượt là Tilikum, Katina, Corky, Kasatka và Ulises.

Năm con cá voi này trình diễn các màn nhào lộn ở công viên nước SeaWorld tại San Diego và ở Orlando, Florida.

PETA lập luận rằng việc bắt những chú cá voi phục vụ cho khách xem ở SeaWorld đã vi phạm tu chính án thứ 13 trong hiến pháp Hoa Kỳ, vốn cấm các hình thức lao động cưỡng bức hay nô lệ.

Thẩm phán Jeffrey Miller đã nghe các lập luận trong đơn kiện ngày thứ Hai và xem xét câu trả lời của SeaWorld, yêu cầu tòa không thụ lý vụ này. Phán quyết sẽ được đưa ra sau đó.

Đơn kiện được nộp vào tháng 10/2011, yêu cầu tòa tuyên bố cá voi bị “bắt buộc lao động nô lệ, vi phạm tu chính án thứ 13 của hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”

“Đây là một chiến tuyến mới trong cuộc đấu tranh cho các quyền dân sự,” Jeff Kerr, tổng thư ký PETA nói.

Ông cũng mô tả phiên điều trần là “một ngày lịch sử”: “Lao động nô lệ không phụ thuộc vào giống loài cũng như không phụ thuộc vào màu da, giới tính hay sắc tộc. “Sự áp bức, sự hạ thấp nhân phẩm và sự nô dịch là những đặc điểm của lao động nô lệ, và những chú cá voi này phải chịu đựng cả ba điều đó.”

Đơn kiện nói năm chú cá voi sát thủ sẽ được đại diện bởi “những người bạn” của chúng ở PETA, bao gồm ba người từng là cựu huấn luyện viên cá heo, một nhà hải dương học và người sáng lập một tổ chức bảo vệ cá voi sát thủ.

Đơn kiện cũng yêu cầu tòa “chỉ định một người giám hộ pháp luật để giám sát quá trình chuyển các nguyên đơn từ những cơ sở của phía bị đơn sang một khu vực sống phù hợp hơn với nhu cầu và lợi ích cao nhất của các nguyên đơn”.

Đơn giải thích của SeaWorld cho rằng tu chính án 13 chỉ “bảo vệ con người, chứ không phải động vật, khỏi nô lệ và lao động cưỡng bức”.

Họ cũng cho rằng tòa án không đủ thẩm quyền mở rộng tu chính án cho loài vật, điều có thể “mở ra chiếc hộp Pandora dẫn tới những vấn đề không thể giải quyết và những hệ quả lố bịch.”

Phiên tòa này là chưa có tiền lệ vì không phải vì không có luật nào ở Mỹ quy định chuyện này, mà bởi tuyên bố của PETA “là không có căn cứ và không bên nào từng lãng phí thời gian, năng lượng và chi phí cho bất cứ phiên tòa nào kiểu như thế này”, SeaWorld lập luận và cáo buộc PETA chỉ dùng phiên tòa này để lôi kéo sự chú ý.

“Trong khi PETA tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, SeaWorld San Diego đang trả lại bốn con sư tử biển vừa được giải thoát về đại dương”, SeaWorld nói. “SeaWorld trước giờ vẫn là một nơi bảo vệ theo đúng tiêu chuẩn với sinh vật biển và chúng tôi phản đối bất cứ chỉ trích nào với điều kiện sống và sự chăm sóc với những sinh vật này. Điều kiện sống của những chú cá voi của chúng tôi tuân theo hàng loạt luật bang và liên bang, bao gồm luật bảo vệ các loài có vú ở đại dương và luật bảo vệ động vật”./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục