Các bên tại Syria cần một giải pháp chính trị đương đầu với IS

Nỗ lực của cộng đồng quốc tế và một giải pháp chính trị toàn diện, hiệu quả là hai yếu tố góp phần đẩy lùi sự bành trướng của IS tại Syria.
Các bên tại Syria cần một giải pháp chính trị đương đầu với IS ảnh 1Các tay súng thuộc nhóm Ahrar al-Sham trong cuộc xung đột với quân đội Chính phủ Syria tại thành phố Aleppo ngày 27/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đối phó với chủ nghĩa khủng bố và một giải pháp chính trị toàn diện, hiệu quả giữa các bên tại Syria là hai yếu tố góp phần đẩy lùi sự bành trướng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Phát biểu với báo giới ngày 11/9 sau cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura khẳng định các biện pháp an ninh song song với một tiến trình chính trị toàn diện, hiệu quả và nhanh chóng nhằm chấm dứt nội chiến tại Syria sẽ cô lập nhóm Hồi giáo cực đoan trên, giúp người dân Syria tránh được mối đe dọa khủng bố.

Tuy không đề cập đến những biện pháp cụ thể như Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu ra trong chiến lược toàn diện mới đối phó với IS vừa công bố, phái viên De Mistura nhấn mạnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần nhanh chóng phê chuẩn một nghị quyết kêu gọi quốc tế chống lại những tổ chức khủng bố tương tự như IS.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria De Mistura cũng khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực của hai người tiền nhiệm là ông Lakhdar Brahimi và ông Kofi Annan hỗ trợ người dân Syria, chính quyền Damascus và các phe phái đối lập tìm được tiếng nói chung để sớm chấm dứt cuộc xung đột. Dự kiến, cùng ngày, ông De Mistura có các cuộc tiếp xúc với đại diện lực lượng đối lập tại Syria.

Theo Trung tâm Quốc tế nghiên cứu tình trạng cực đoan hóa tại Đại học King (London), hiện có hơn 12.000 chiến binh từ 74 nước đã đến tham chiến tại Syria, 60-70% trong số đó đến từ các nước Trung Đông khác và khoảng 20-25% đến từ các nước phương Tây.

Cuộc xung đột ở Syria đã dẫn tới làn sóng chiêu mộ chiến binh nước ngoài lớn nhất kể từ sau cuộc chiến ở Afghanistan trong những năm 80 của thế kỷ trước (khoảng 20.000 tay súng).

Một báo cáo của Liên hợp quốc mới công bố cho biết khoảng 3 triệu người dân Syria đã phải đi tỵ nạn và khoảng 6,5 triệu người khác bị mất nhà cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục