Các công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu cuộc chiến thuế quan leo thang

Khi Chính quyền Tổng thống Mỹ chuẩn bị áp thuế 25% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng, giới quan sát lại lên tiếng cảnh báo quyết định này sẽ khiến các công ty Mỹ gặp rủi ro.
Các công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu cuộc chiến thuế quan leo thang ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng, giới quan sát tiếp tục lên tiếng cảnh báo quyết định trên sẽ khiến các công ty Mỹ gặp rủi ro.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đầu tuần này đã công bố danh sách 3.805 sản phẩm có thể bị áp thuế 25% lần đầu tiên. Danh sách này bao gồm những mặt hàng như cá ngừ, núm vú giả, lưỡi cưa, đèn pin, chuông cửa, bóng bia và xe golf. Những mặt hàng tạm được miễn trừ bao gồm dược phẩm và khoáng chất đất hiếm được sử dụng trong mặt hàng điện tử và pin.

Văn phòng này sẽ lấy ý kiến công chúng và tổ chức một phiên điều trần về mức thuế được đề xuất vào ngày 17/6 tới.

Trong các đợt áp thuế trước đây, Washington đã cố gắng hạn chế ảnh hưởng đối với người tiêu dùng Mỹ bằng cách tập trung vào cái gọi là hàng hóa trung gian - linh kiện nhập khẩu mà các công ty Mỹ sử dụng để sản xuất thành phẩm. Với đợt áp thuế này, điều đó sẽ thay đổi.

Nếu các công ty chuyển các chi phí cao hơn từ thuế quan áp lên sản phẩm cho khách hàng, họ sẽ mất doanh số. Đối với một số công ty, tỷ suất lợi nhuận của họ không đủ lớn để đơn giản là hấp thụ khoản chi phí phụ trội từ thuế quan.

[Kinh tế Mỹ tăng trưởng khởi sắc dù vẫn đối mặt một số nguy cơ]

Bên cạnh đó, những công ty này rất khó có thể chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ như ông Trump đã từng đề xuất để tránh áp thuế đối với sản phẩm của họ. Điều này là do Chính quyền của Tổng thống Trump đã đánh thuế đối với các máy móc của Trung Quốc mà các công ty này sẽ cần để sản xuất các mặt hàng của họ tại Mỹ.

Một số nhà nhập khẩu Mỹ có thể cố gắng chuyển sang các nhà cung cấp khác bên ngoài Trung Quốc như Việt Nam và Indonesia. Nhưng quá trình chuyển đổi sẽ không dễ dàng. Chi phí có thể gia tăng và chất lượng sản phẩm sụt giảm khi các nhà cung cấp mới thay thế các nhà thầu Trung Quốc có kinh nghiệm. Việc rời hoạt động sản xuất về lại nước Mỹ cũng rất khó khăn khi thị trượng lao động tại đây đã thắt chặt. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của nước này là 3,6%.

Các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump đều nhằm gây áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, nhà kinh tế Mary Lovely thuộc trường Đại học Syracuse (New York) cho biết vẫn chưa rõ liệu việc tăng thuế có thể gây áp lực đủ lớn để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trước yêu cầu của Mỹ hay không.

Theo chuyên gia này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng hướng nền kinh tế của họ bớt phụ thuộc vào hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng có lợi nhuận thấp, vốn chiếm một phần lớn trong danh sách 300 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế mới và hướng tới các sản phẩm công nghệ cao đắt tiền hơn.

Bà Lovely cho rằng Bắc Kinh có thể không muốn hy sinh khát vọng công nghệ của mình để cứu những ngành không nằm trong kế hoạch của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục