Các ngân hàng thu lợi nhuận nhiều nhất kể từ khủng hoảng năm 2008

Một loạt đợt tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương đã mang lại động lực lớn nhất cho ngành ngân hàng toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua.
Các ngân hàng thu lợi nhuận nhiều nhất kể từ khủng hoảng năm 2008 ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương Canada tại Ottawa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey & Co. cho biết các ngân hàng trên thế giới đã đạt lợi nhuận 280 tỷ USD vào năm 2022 nhờ lãi suất cao.

Đây là mức lợi nhuận hoạt động tốt nhất của ngành này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Một loạt đợt tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương đã mang lại động lực lớn nhất cho ngành ngân hàng toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua.

"Vận may" này đã khiến một số ngân hàng cho vay công bố chương trình mua lại cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD.

[WIPO: Lãi suất ngân hàng cao cản trở tương lai của sự đổi mới]

Mặc dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã tăng lên 12% vào năm 2022, từ mức trung bình 9% kể từ năm 2010, McKinsey đã đưa ra lưu ý thận trọng trong Đánh giá thường niên về ngành ngân hàng toàn cầu.

Công ty tư vấn có trụ sở tại New York cho biết: “Việc quay trở lại mức lãi suất cực thấp dường như khó xảy ra trong ngắn hạn, nhưng triển vọng về tỷ suất lợi nhuận ròng vẫn không chắc chắn.”

Báo cáo của McKinsey cho biết các ngân hàng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng khi các giao dịch có xu hướng chuyển sang các tổ chức tài chính phi truyền thống, ít được quản lý hơn so với những ngân hàng.

Từ năm 2015 đến năm 2022, hơn 70% mức tăng ròng của các quỹ tài chính được nắm giữ bởi các quỹ bảo hiểm và hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia, vốn tư nhân và các khoản đầu tư thay thế chứ không phải ngân hàng.

Báo cáo của McKinsey cũng nêu rõ có sự khác biệt về hiệu suất hoạt động giữa các ngân hàng ở từng khu vực.

Các tổ chức tài chính ở khu vực quanh Ấn Độ Dương - bao gồm Singapore, Ấn Độ, Dubai và một phần phía Đông châu Phi - là nơi có một nửa số ngân hàng hoạt động tốt nhất trên thế giới, trong khi ở châu Âu và Mỹ cũng như Trung Quốc và Nga, các ngân hàng đã phải vật lộn để bù đắp vốn.

McKinsey cho biết định giá cổ phiếu của các ngân hàng đang ở mức 0,9 lần giá trị sổ sách, không thay đổi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là mức "chênh lệch lịch sử” so với phần còn lại của nền kinh tế. Điều đó phản ánh những thách thức mà ngành phải đối mặt và tiềm năng tăng trưởng của ngành.

Tuy nhiên, theo McKinsey, các ngân hàng Trung Quốc, nơi có những ngân hàng lớn được giao dịch cổ phiếu ở mức giá bằng 0,5 lần giá trị sổ sách, đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn hơn và có “triển vọng hạn chế” trong việc đạt được lợi nhuận cao hơn.

Theo ước tính của công ty tư vấn này, trí tuệ nhân tạo có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi, giúp cắt giảm chi phí hoạt động của ngành ngân hàng từ 200-300 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục