Các Ngoại trưởng G7: Nên duy trì cấu trúc thỏa thuận hạt nhân Iran

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm G7 diễn ra ở thành phố Toronto của Canada, các ngoại trưởng G7 chưa đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề hạt nhân Iran.
Các Ngoại trưởng G7: Nên duy trì cấu trúc thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 tại Toronto, Canada ngày 22/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/4, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra ở thành phố Toronto của Canada, các ngoại trưởng G7 chưa đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề hạt nhân Iran.

Trong khi phía Mỹ vẫn giữ quan điểm phải thay đổi một số điều khoản mà nước này cho rằng "làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân Iran 2015," trong đó đặc biệt chú trọng việc cập nhật điều khoản cho phép Iran nối lại hoạt động làm giàu urani từ năm 2025 thì các ngoại trưởng G7 vẫn cho rằng cầu trúc của thỏa thuận nên được duy trì.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Pháp và Đức tin tưởng việc duy trì thỏa thuận là tối quan trọng, khẳng định không gì có thể so sánh nếu thỏa thuận sụp đổ hoặc Mỹ rút lui và kịch bản này sẽ khiến tình hình xấu đi nghiêm trọng.

Ông Maas cũng cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ cùng hối thúc Tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận trong các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ trong tuần này.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng đồng tình với quan điểm này và cho biết hầu hết các Ngoại trưởng G7 đều cho rằng phải cẩn trọng lưu ý JCPOA.

Phát biểu trước chuyến thăm tới Mỹ, Tổng thống Macron cũng khẳng định "đây là một thỏa thuận giá trị" và là "một trong những thành tựu vĩ đại của ngoại giao tập thể" trong nhiều thập kỷ qua. Ông chủ Điện Elysée khẳng định kể cả khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này thì các quốc gia châu Âu cũng sẽ nỗ lực giữ thỏa thuận tồn tại.

Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA được ký ngày 14/7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức). Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.

[G7 tính lập nhóm đặc biệt về Nga, thống nhất quan điểm về Triều Tiên]

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt.

Nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu soạn hiệp định bổ sung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, hoặc soạn thảo một cơ chế khác cho phép loại bỏ quan ngại của Washington liên quan tới 3 điểm, gồm giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran; cho phép các thanh sát viên tới các địa điểm tình nghi tại Iran và cho phép Iran có thể tái khởi động chương trình hạt nhân sau 10 năm.

Trong khi đó, Iran bác bỏ mọi khả năng thay đổi JCPOA, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ phá vỡ thỏa thuận này. Hôm 23/4, Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif đã kêu gọi các quốc gia châu Âu lên tiếng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, đồng thời hối thúc Tổng thống Mỹ tôn trọng những cam kết đã đưa ra trong thỏa thuận với một "tinh thần hợp tác."

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Macron cũng đã nhất trí phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran trong cuộc điện đàm diễn ra vài giờ trước lễ đón tiếp ông Macron tại Washington của Tổng thống Mỹ Donald Trump./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục