Các nhà bán lẻ Hàn Quốc tích cực tiếp cận thị trường Đông Nam Á

Các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang tiến sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á sau khi kinh doanh "thất bát" tại Trung Quốc do động thái trả đũa của Bắc Kinh đối với việc triển khai THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc.
Các nhà bán lẻ Hàn Quốc tích cực tiếp cận thị trường Đông Nam Á ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại một cửa hàng Lotte Mart ở Thượng Hải (Trung Quốc). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang mở rộng và tiến sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á sau khi kinh doanh "thất bát" tại Trung Quốc do động thái trả đũa của Bắc Kinh đối với việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc.

Ngày 10/10, Lotte Group - tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc - đã khai trương một trung tâm mua sắm trực tuyến ở Indonesia cùng với tập đoàn Salim của Đất nước Vạn đảo.

Ngoài Indonesia, Lotte cũng đang tiến vào thị trường Việt Nam qua việc xây dựng một khu mua sắm có diện tích 200.000m2 tại Hà Nội, với khoản đầu tư trị giá 330 tỷ won. Việc xây dựng khu mua sắm dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Những động thái trên diễn ra ra sau khi Lotte phải hứng chịu thiệt hại rất lớn từ những biện pháp trả đũa về mặt kinh tế của Bắc Kinh, khiến họ quyết định rút chuyển chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc sang một số địa bàn khác.


[Bắc Kinh trả đũa, Lotte có nguy cơ thiệt hại hàng trăm triệu USD]

Theo số liệu của Lotte, 87 trong số 99 (tương đương 87,9%) chuỗi siêu thị Lotte Mart của tập đoàn này tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động kể từ ngày 11/10. Doanh số bán hàng của Lotte Mart tại Trung Quốc đã giảm 64,7% trong các tháng 1-8/2017 xuống còn 410 tỷ won (362 triệu USD), so với mức 1.160 tỷ won hồi cùng kỳ năm trước.

Shinsegae, một nhà bán lẻ lớn khác của Hàn Quốc, cũng đang thúc đẩy kế hoạch xâm nhập vào thị trường của các nước Đông Nam Á. E-Mart, chuỗi siêu thị lớn nhất Xứ sở Kim chi do Shinsegae quản lý điều hành, vừa ký thỏa thuận bán năm trong số sáu cửa hàng của họ tại Trung Quốc cho một công ty Thái Lan, kết thúc sự hiện diện kéo dài 20 năm của chuỗi siêu thị này ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trước đó vào cuối tháng Tám, Phó Chủ tịch Shinsegae Chung Yong-jin cho biết doanh nghiệp này đang hướng đến một số nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào.

E-Mart của Shinsegae đang chuẩn bị cho việc khai trương cửa hàng thứ hai tại Việt Nam, sau khi cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động hồi tháng 12/2015.

CJ Cheiljedang Corp, nhà sản xuất thực phẩm qua chế biến hàng đầu của Hàn Quốc, cũng đang xây dựng một khu phức hợp sản xuất mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, với khoản đầu tư 70 tỷ won.

Công ty này cho biết họ coi Việt Nam là “cửa ngõ” cho việc mở rộng kinh doanh tại các thị trường Đông Nam Á, do ngành bán lẻ ở trong khu vực vẫn còn non trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố. (Nguồn: VinBus)

Hành trình 80 tuần Vingroup “phủ xanh” Việt Nam

Sau gần 80 tuần đi vào hoạt động, Quỹ Vì tương lai xanh của Vingroup đã nhanh chóng khẳng định vị thế tiên phong trong việc triển khai theo cam kết tiến tới Net Zero của Chính phủ Việt Nam.