Các nhà đàm phán chia rẽ về vấn đề Triều Tiên

Việc tìm kiếm nghị quyết trừng phạt vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên tiếp tục là chủ đề gây chia rẽ trong các nước tham gia đàm phán sáu bên.

Việc tìm kiếm nghị quyết trừng phạt vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên tiếp tục là chủ đề gây chia rẽ trong các nước tham gia đàm phán sáu bên.

Trong khi Mỹ và Nhật Bản tuyên bố sẽ tìm kiếm một nghị quyết trừng phạt mạnh mẽ hơn thì Nga và Trung Quốc tuyên bố ủng hộ "một phản ứng thuyết phục" đối với Bình Nhưỡng.

Ngày 2/6, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg đang ở thăm Nhật Bản đã nhất trí thúc đẩy Liên hợp quốc ban hành nghị quyết trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định quan điểm coi việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và thế giới.

Tại cuộc gặp, hai bên cũng thảo luận về cách thức hợp tác với các nước khác trong đàm phán sáu bên để thuyết phục Bình Nhưỡng "trở lại tiến trình giải giáp hạt nhân toàn diện và có thể kiểm chứng".

Phát biểu sau cuộc gặp, Thủ tướng Aso nhấn mạnh khuôn khổ đàm phán sáu bên vẫn tiếp tục là cơ chế giải quyết hiệu quả nhất vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cũng trong ngày 2/6, Thủ tướng Aso đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Mamohan Singh, kêu gọi New Delhi hợp tác để thông qua nghị quyết trừng phạt mới. Thủ tướng Singh đã chia sẻ quan ngại của Nhật Bản về chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/6 khẳng định Nga và Trung Quốc ủng hộ một "phản ứng thuyết phục" của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên. Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Trong một diễn biến khác, cựu Tư lệnh không quân Nga, Tướng Anatolyi Kornukov nhận định hệ thống phòng không của Nga không có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Interfax ngày 2/6, ông Kornukov cho rằng các hệ thống phòng không S - 300 ở khu vực Viễn Đông của Nga không được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo nên sẽ không thể "hạ gục" tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp tên lửa bay vào không phận Nga.

Theo ông Kornukov, hệ thống phòng không S - 400 Triumf hiện đại nhất của Nga có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo nhưng hiện hệ thống này chưa được thử nghiệm bên ngoài Mátxcơva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục