Các nước EU thống nhất lập trường đàm phán cứng rắn với Anh

Thông điệp rõ ràng mà 27 nước EU gửi đến Anh đó là một tiến trình đàm phán không thỏa hiệp, bất luận về tương lai quan hệ giữa Anh-EU.
Các nước EU thống nhất lập trường đàm phán cứng rắn với Anh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)

Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Malta Joseph Muscat đã khẳng định sự đoàn kết, nhất trí quan điểm của EU đối với vấn đề Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit).

Thông điệp rõ ràng mà 27 nước EU gửi đến Anh đó là một tiến trình đàm phán không thỏa hiệp, bất luận về tương lai quan hệ giữa Anh-EU. Một điều mà giới chức lãnh đạo EU nhất trí là Anh sẽ không thể có được vị trí tốt như bây giờ sau khi rời khỏi EU. Giới chính trị gia tại EU và Đức đều thống nhất một khẩu hiệu chung là "Giữ các nước châu Âu lại cùng nhau và cùng nhau mạnh lên."

Quan điểm cứng rắn với Anh gần đây được đề cập công khai trong các tuyên bố chung, các nhận xét cá nhân, các báo cáo đánh giá của các chính phủ, các nhà lập chính sách và các đảng phái chính trị tại khắp các nước trong EU khi mà thời điểm Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon đang đến gần.

Báo cáo chính sách mới của đảng Dân chủ Xã hội (SDP), đảng cầm quyền hiện nay tại Đức, đã nêu rõ quan điểm sẽ không nương nhẹ với Anh khi tiến hành đàm phán, và kiên quyết không để cho Anh vẫn được quyền tham gia thị trường chung EU nếu như Anh không chấp thuận điều kiện tự do đi lại, làm việc của công dân các nước EU tại Anh như hiện nay. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất công nghiệp Đức (BDI) cũng đã nêu rõ lập trường của giới doanh nghiệp Đức là họ sẽ không hy sinh tình đoàn kết giữa các nước trong EU để đổi lấy một quan hệ thương mại đặc biệt với Anh.

Không chỉ nước lớn tại châu Âu mới có quan điểm như Đức, một nước nhỏ và có quan hệ rất mật thiết với Anh như Đan Mạch cũng lên tiếng rằng bất cứ sự nhượng bộ nào không đem lại lợi ích cho Đan Mạch thì nước này sẽ không chấp nhận thông qua.

Thái độ của các nước EU cho thấy không dễ gì nước Anh thuyết phục được các đối tác thương mại lớn hiện nay của mình trong châu Âu như Đức, Pháp, Italy để có được những cơ chế thương mại riêng biệt với Anh. Lý do được cho là EU đang trong giai đoạn khó khăn phải đối mặt với nhiều vấn đề như khủng hoảng nhập cư, sự trỗi dậy của một số đảng cực hữu khiến các nhà lãnh đạo EU càng nỗ lực để duy trì một lập trường đoàn kết và cứng rắn đối với vấn đề Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục