Các nước phản đối Israel tiếp tục xây khu định cư

Israel đã vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế khi thông qua dự án xây 900 căn hộ mới tại khu vực chiếm đóng Gilo, Đông Jerusalem.
Bất chấp sức ép của Mỹ và dư luận quốc tế, Israel vẫn tiếp tục mở rộng khu định cư Do Thái.

Bộ Nội vụ Israel ngày 17/11 đã thông qua dự án xây 900 căn hộ mới tại khu vực chiếm đóng Gilo, thuộc Đông Jerusalem. Giải thích cho quyết định trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng "Gilo là một phần không thể thiếu của Jerusalem".

Động thái trên của Israel lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Chính phủ Israel. Ông nhấn mạnh rằng kế hoạch này sẽ phá hoại các nỗ lực hòa bình và gây nghi ngờ về giải pháp hai nhà nước.

Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định các khu định cư Do Thái là "bất hợp pháp", Israel cần tuân thủ các cam kết của mình, ngừng toàn bộ hoạt động xây khu định cư.

Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Palestine, ông Saeb Erekat cùng ngày cũng lên án mạnh mẽ và nhấn mạnh rằng đàm phán cũng chỉ vô ích khi Israel mở rộng các khu định cư tại Đông Jerusalem.

Từ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs đã bày tỏ "thất vọng" về quyết định trên của Israel và một lần nữa nhắc lại rằng vấn đề Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán. Trước đó, Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ George Mitchell đã yêu cầu Israel ngừng dự án xây mới tại khu định cư nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với người Palestine và cản trở các nỗ lực của Washington về tái khởi động hòa đàm.

Anh cũng cho rằng quyết định của Tel Aviv sẽ gây thêm khó khăn cho bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai với Chính quyền Palestine. Thông báo của Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ: "Việc Israel tiến hành xây dựng tại Gilo là một sai lầm".

Quyết định mở rộng khu định cư cho người Do Thái ở Đông Jerusalem được Israel đưa ra trong bối cảnh Palestine kêu gọi quốc tế ủng hộ việc công nhận Palestine là một nhà nước độc lập. Ngày 17/11, Thụy Điển (nước Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu) tuyên bố "còn quá sớm" để công nhận một Nhà nước Palestine.

Phát biểu trước các phóng viên tại Brussels, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng "các điều kiện vẫn chưa chín muồi" cho một quyết định như vậy. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cảnh báo việc "hành động đơn phương" nhằm tuyên bố Nhà nước Palestine độc lập có thể gây hại cho việc thành lập một nhà nước như mong muốn.

Trong nội bộ Palestine, Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas cũng phản đối ý định kêu gọi công nhận độc lập trước khi Israel chấm dứt chiếm đóng.

Trong một tuyên bố tại Damascus (Syria), thủ lĩnh lưu vong của Hamas Khaled Meshaal khẳng định rằng tuyên bố về một Nhà nước Palestine độc lập phải là kết quả của quá trình kháng chiến nhằm chấm dứt sự chiếm đóng, không nên là một quyết định nhằm "lấp chỗ trống sau thất bại chính trị". Theo ông Meshaal, ý tưởng này "không khả thi"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục