Các nước Trung Âu đang thay đổi chính sách đối với Trung Quốc?

Trung Quốc đang đánh mất vị thế của mình tại châu Âu. Cụ thể là tại Trung Âu, nơi lâu nay vẫn được Trung Quốc coi là cửa ngõ ‟dễˮ nhất để BRI đầy tham vọng của Trung Quốc tiến vào lục địa này.
Các nước Trung Âu đang thay đổi chính sách đối với Trung Quốc? ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) nhận định cho đến gần gây, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đầu tư vào Trung Âu dường như vẫn là lựa chọn duy nhất đối với khu vực này.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc đang ngày càng bị nghi ngờ hơn.

Tháng 6/2015, tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc ký thỏa thuận đầu tiên tại châu Âu về cung cấp công nghệ kết nối mạng viễn thông 5G cho hai trường đại học tại Brussels (Bỉ).

Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu được xem là sự thống trị của Trung Quốc đối với các lĩnh vực công nghệ quan trọng của châu Âu.

Mặc dù vậy, hiện nay hầu như tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã "quay lưng" với Huawei.

Hai thành viên cuối cùng phản đối Huawei là Bồ Đào Nha và Litva cũng đang theo xu thế này khi tiến hành đấu thầu mạng 5G tại nước mình. Litva thậm chí còn thông qua luật cấm Huawei tham gia đấu thầu.

[Sáng kiến BRI có thể sẽ đi vào ngõ cụt ở "sân sau" của Trung Quốc]

Việc này cho thấy Trung Quốc đang đánh mất vị thế của mình tại châu Âu như thế nào, cụ thể là tại Trung Âu, nơi lâu nay vẫn được Trung Quốc coi là cửa ngõ ‟dễˮ nhất để BRI đầy tham vọng của Trung Quốc tiến vào lục địa này.

Năm 2012, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến 16+1 nhằm khuyến khích đầu tư kinh doanh của Trung Quốc tại 16 quốc gia Trung Âu.

Năm 2019, có thêm Hy Lạp tham gia, qua đó đưa sáng kiến này trở thành 17+1. Litva đang đi đầu trong việc phản kháng các tham vọng của Trung Quốc.

Đầu năm 2021, Litva đã rút khỏi cơ chế 17+1. Tiếp đó, quốc gia này cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở văn phòng đại diện tại Litva.

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách rút đại sứ tại Litva về nước và dừng các tuyến vận tải trực tiếp bằng đường sắt tới Litva.

Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa các nhà đầu tư nước ngoài tại Litva rằng họ đang đặt các hoạt động làm ăn của mình tại Trung Quốc vào tình thế nguy hiểm.

Các quốc gia Trung Âu khác đang phát đi tín hiệu muốn tìm kiếm những lựa chọn khác thay thế Huawei.

Tại hội nghị 17+1 hồi tháng 2/2021, 6 quốc gia (Bulgaria, Romania, Slovenia, Estonia, Latvia và Litva) chỉ cử đại diện cấp thấp tham dự.

Vài tháng sau, Litva chính thức tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia hội nghị này nữa.

Chính phủ sắp tới của Cộng hòa Séc cũng đã phát tín hiệu về việc muốn cấm Trung Quốc và Nga tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân Dukovany tại Cộng hòa Séc.

Lý do Trung Âu thay đổi chính sách với Trung Quốc rất rõ ràng: những lợi ích kinh tế từ nguồn đầu tư Trung Quốc đang cho thấy chỉ ở mức tối thiểu.

Tuyến đường sắt Budapest-Belgrade, dự án hạ tầng lớn đầu tiên của Trung Quốc tại châu Âu, đã gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. Những vấn đề liên quan đến các khoản vay từ Trung Quốc của dự án này rất phức tạp. Lãi suất sẽ bị áp mức cao hơn nếu các công ty Trung Quốc không thắng thầu xây dựng.

Dù hiện vẫn chưa rõ lãi suất chính xác là bao nhiêu, song Hungary có thể phải mất tới 2.500 năm mới trả hết nợ cho Trung Quốc.

Trong khi đó, những cáo buộc về nạn tham nhũng tràn lan và sự tham gia của công ty RDZ International của Nga cũng gây ra thêm những mối quan ngại về an ninh.

Xét về tổng thể, đầu tư BRI của Trung Quốc đã giảm 32% xuống còn 19,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, một phần nguyên nhân là do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các khoản đầu tư tại châu Âu đã sụt giảm tới 84%, một mức giảm rất lớn.

Các kế hoạch như đầu tư hàng tỷ USD vào cảng Rijeka của Croatia theo đề xuất của Trung Quốc đã bị đình lại sau khi EU và Mỹ phản đối.

Phương Tây cũng đang bắt đầu các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng riêng, trong đó nhấn mạnh các nhân tố môi trường.

Thậm chí, nước ủng hộ Trung Quốc nhất tại Trung Âu là Hungary cũng phản đối.

Mặc dù Hungary là nơi đặt trung tâm cung cấp lớn nhất của Huawei bên ngoài Trung Quốc, cùng với trung tâm nghiên cứu và phát triển của công ty Trung Quốc này, song các công ty viễn thông quốc tế đang hoạt động tại Hungary đã bắt đầu rút khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của Huawei.

Ngày càng có nhiều chỉ trích về việc Trung Quốc đầu tư xây dựng Đại học Phúc Đán tại Hungary cũng như khẩu trang và thiết bị y tế kém chất lượng của Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Bất chấp xu hướng bài Huawei, Trung Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực thiết lập vị thế vững chắc tại châu Âu, trong đó có Trung và Đông Âu. 5G có thể vẫn là trọng tâm, song đó chỉ là điểm khởi đầu. Trung Quốc đang bộc lộ những mối đe dọa tương tự trong các lĩnh vực như giao thông, viễn thông và năng lượng.

Đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào khác tiếp bước Litva rút khỏi nhóm ‟Vành đai và Con đường 17+1.ˮ

EU và cộng đồng quốc tế cần phải bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu và cung cấp các lựa chọn thay thế cho Hungary và các quốc gia khác - những nước từng bị cám dỗ dẫn đến chấp nhận đầu tư của Trung Quốc, cụ thể:

Thứ nhất, Quốc hội Mỹ cần hỗ trợ các đồng minh châu Âu trong mục tiêu chung là giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược bằng cách thông qua Luật An ninh Viễn thông xuyên Đại Tây Dương (TTSA).

Điều này sẽ bảo đảm cho việc xây dựng các mạng 5G an toàn của châu Âu, qua đó có thể đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng 5G và thay thế các thiết bị không an toàn tại Trung Âu.

Luật trên sẽ chống lại nguy cơ các nhà cung cấp Trung Quốc chào hàng bằng những giải pháp 5G chi phí thấp nhất.

Thứ hai, Sáng kiến Ba Biển (3SI) và Quỹ đầu tư 3SI cần được thúc đẩy và mở rộng.

Năm 2019, 12 quốc gia thành viên EU nằm bên bờ ba biển Baltic, Adriatic và Biển Đen đã cùng nhau giảm mức độ chênh lệch về chất lượng cơ sở hạ tầng với Tây Âu và giảm sự phụ thuộc trong lĩnh vực năng lượng được ‟thừa kếˮ từ thời Liên Xô.

Quỹ trên đã nhất trí thông qua việc triển khai các dự án đầu tiên. Latvia sẽ tổ chức hội nghị tiếp theo của Sáng kiến 3SI vào tháng 6/2022, với mục tiêu ‟nhằm tăng nguồn đầu tư cho Quỹ để 3SI có thêm nhiều động lực hơn.ˮ

Cơ hội quý giá này không chỉ ngăn chặn được những mối quan ngại mang tính lịch sử liên quan đến Nga, mà còn phòng ngừa nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai.

Mục tiêu của Trung Quốc là gia tăng ảnh hưởng bằng cách chia rẽ các thành viên EU. Trung Âu cần sự hỗ trợ của toàn châu Âu để ngăn chặn sự chia rẽ đó. Trong hơn 6 năm qua, cuộc đấu đã tập trung vào Huawei và 5G.

Giờ đây, tâm điểm của cuộc đấu này đang mở rộng và bao trùm toàn bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mỹ và châu Âu phải hành động khẩn trương để cung cấp những lựa chọn tin cậy, thực tế và mang tính thống nhất có thể thay thế được cho Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục