Các phe phái của Libya thống nhất cơ chế loại bỏ lực lượng nước ngoài

Các phe phái chính trị của Libya nhất trí một cơ chế phối hợp nhằm loại bỏ các binh sỹ nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Các phe phái của Libya thống nhất cơ chế loại bỏ lực lượng nước ngoài ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, sau cuộc họp kéo dài hai ngày từ ngày 7-8/2 tại thủ đô Cairo của Ai Cập, Ủy ban Quân sự chung 5+5 của Libya (JMC) đã ra tuyên bố cuối cùng, trong đó các phe phái chính trị của Libya nhất trí một cơ chế phối hợp nhằm loại bỏ các binh sỹ nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya đồng thời là người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL), ông Abdoulaye Bathily ca ngợi đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đạt được sự ổn định và hòa bình bền vững ở Libya. Ông Bathily cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện nhanh chóng và kịp thời cơ chế này trên thực địa.

Sau cuộc họp do Đặc phái viên Liên hợp quốc Bathily chủ trì, với với sự tham dự của các quan chức đến từ Sudan và Niger, ông Bathily thông báo các phe phái chính trị của Libya cũng đã nhất trí thành lập một văn phòng đặc biệt để điều phối và theo dõi việc rút lính đánh thuê ra khỏi Libya.

Quan chức Liên hợp quốc nêu rõ các kết quả đạt được trong cuộc họp ở Cairo là một bước tiến quan trọng không chỉ đối với Libya mà còn đối với toàn bộ khu vực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích khu vực, cuộc họp của JMC đã không đưa ra được thời gian biểu rõ ràng hoặc các biện pháp cụ thể để rút các binh sỹ nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya.

Libya vẫn chìm trong bất ổn chính trị và an ninh sau cuộc chính biến năm 2011. Cuộc chiến tranh giành quyền lực đã đẩy Libya vào tình hình phức tạp, khiến các cường quốc Arab cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và các quốc gia phương Tây phải can thiệp.

[Libya thông báo hoãn tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia]

Kể từ tháng 3/2022, Libya có hai chính quyền cùng tồn tại song song, bao gồm chính phủ ở miền Đông Libya do Tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya ở miền Đông, hậu thuẫn và Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya của Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah.

Trong giai đoạn từ tháng 4/2019-6/2020, lực lượng của Tướng Haftar đã sử dụng các chiến binh từ Chad, Sudan và Niger nhằm chiếm giữ thủ đô Tripoli.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hiện có hơn 20.000 chiến binh nước ngoài đang hoạt động tại Libya. Trong đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú ở miền Tây, hỗ trợ huấn luyện cho binh sỹ Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục