Các phe phái ở Libya đạt thống nhất về quản lý nguồn thu dầu mỏ

Hội đồng Tổng thống Libya đã tuyên bố thành lập một “ủy ban tài chính cấp cao” chịu trách nhiệm “xác định các khoản chi tiêu" và phân bổ nguồn thu từ dầu mỏ.
Các phe phái ở Libya đạt thống nhất về quản lý nguồn thu dầu mỏ ảnh 1Nhà máy lọc dầu ở Ras Lanuf, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc ngày 8/7 hoan nghênh việc các phe phái đối địch tại Libya nhất trí thành lập một cơ chế phân phối doanh thu từ dầu mỏ, một chủ đề tranh cãi thường trực giữa hai bên.

Trong một tuyên bố, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) “hoan nghênh” việc thành lập một ủy ban giám sát tài chính cấp cao để phân bổ nguồn thu từ dầu mỏ.

UNSMIL đánh giá động thái này là rất tích cực nhằm thể hiện “sự đồng thuận chính trị” giữa các thể chế và các chủ thể đối địch tại Libya, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “cách tiếp cận toàn diện” này có thể tăng cường “tính minh bạch trong quản lý chi tiêu công và phân phối công bằng các nguồn lực quốc gia.”

Theo một sắc lệnh được truyền thông địa phương đăng tải ngày 7/7, Hội đồng Tổng thống Libya đã tuyên bố thành lập một “ủy ban tài chính cấp cao,” chịu trách nhiệm “xác định các khoản chi tiêu.”

[Libya kêu gọi các công ty toàn cầu hỗ trợ ngành dầu khí nước nhà]

Xuất khẩu dầu thô là nguồn thu chủ yếu của Libya đồng thời cũng là tâm điểm tranh chấp giữa các phe đối địch - được quản lý bởi Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC) và Ngân hàng Trung ương, có trụ sở tại Tripoli.

Ủy ban tài chính cấp cao này do người đứng đầu Hội đồng Tổng thống Libya, ông Mohamed Al-Manfi, làm chủ tịch, bao gồm 18 thành viên gồm đại diện từ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU), có trụ sở tại Tripoli, công ty NOC, Nghị viện, Tòa án Kiểm toán, Cơ quan Kiểm soát Hành chính và chính quyền ở miền Đông được tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.

Trong bài phát biểu trước đó với các binh sỹ tại Rajma, cách Benghazi 25km về phía Đông, tướng Haftar đã kêu gọi chia sẻ công bằng doanh thu từ dầu mỏ, đưa ra “thời hạn chót đến cuối tháng Tám” để ủy ban trên giải quyết các vấn đề liên quan, nếu không thì lực lượng vũ trang của miền Đông sẽ có các hành động quân sự để ngăn chặn việc xuất khẩu dầu.

Xuất khẩu dầu mỏ của Libya đã chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng xung đột vũ trang và việc các mỏ dầu và cảng biển phải đóng cửa thời gian qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục