Các thành phố mới nổi thảo luận về đổi mới chính sách công

Đại diện của một số thành phố mới nổi của Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Trung Quốc thảo luận tại Singapore về đổi mới chính sách công.
Các thành phố mới nổi thảo luận về đổi mới chính sách công ảnh 1Quang cảnh của hội thảo “Lễ hội đổi mới chính sách-Những đổi mới trong chính sách tại châu Á mới nổi.” (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)

Đại diện của một số thành phố mới nổi của Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Trung Quốc đang cùng nhau thảo luận tại Singapore về đổi mới trong hoạch định chính sách công.

Trong khuôn khổ của hội thảo “Lễ hội đổi mới chính sách-Những đổi mới trong chính sách tại châu Á mới nổi” do Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew của Singapore tổ chức từ ngày 5-7/8, diễn ra các phiên thảo luận về đổi mới trong chính sách liên quan tới chính phủ điện tử, phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả và dịch vụ công, và thúc đẩy sáng tạo trong học tập.

Các đại biểu quốc tế đến từ thành phố Chengdu, Shenyang và Shunde của Trung Quốc; Chiang Rai và Pakkret của Thái Lan, Kampot của Campuchia; Kuantan của Malaysia; Marikina, Naga và Valenzuela của Philippines; Pekalongan và Solo của Indonesia cũng đã học tập kinh nghiệm của Singapore trong việc đổi mới chính sách đô thị.

Các đại biểu dự phiên thảo luận về tăng cường tính sáng tạo ở các thành phố mới nổi, diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua, đánh giá cao bài tham luận của giáo sư Michael Douglass thuộc Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew của Singapore và giáo sư Gavin Shatkin thuộc Trường đại học Đông Bắc ở bang Massachusetts của Mỹ.

Nghiên cứu của giáo sư Michael Douglass về kế hoạch hóa khu vực và đô thị tại châu Á là kết quả của nhiều năm sống tại nhiều thành phố châu Á, kể cả Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Giáo sư Shatkin nêu bật sự cần thiết phải xây dựng chính sách thu hút người dân tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội tại các thành phố mới nổi ở châu Á.

Các thành phố tham dự hội thảo đều nhận được giải thưởng từ nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chương trình hợp tác vì Quản trị Địa phương Dân chủ ở Đông Nam Á và tổ chức quốc gia như Hội Galing Pook của Philippines, Trung tâm Đổi mới Chính phủ Trung Quốc của Trường đại học Bắc Kinh và Giải thưởng Đổi mới trong Quản lý Đô thị của Bộ Ngoại giao Indonesia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục