Cách tiếp cận mới cho phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc mà không có thỏa thuận hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên bởi một hoặc cả hai nhà lãnh đạo đã đến Hà Nội với sự hiểu lầm về những gì có thể đạt được.

Thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội vừa qua có lẽ là kết quả tất yếu của quá trình mà hai nhân vật này chi phối, lạc quan về mối quan hệ cá nhân và tự tin vào khả năng của chính mình.

Đây là nhận định của tác giả Richard N. Haass trong bài viết đăng trên trang mạng project-syndicate.org. Nội dung như sau.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc mà không có thỏa thuận hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên bởi một hoặc cả hai nhà lãnh đạo đã đến Hà Nội với sự hiểu lầm về những gì có thể đạt được.

Mỹ cho rằng Triều Tiên muốn hầu hết tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ trong khi không sẵn sàng từ bỏ đủ số lượng cơ sở hạt nhân hiện có.

Các quan chức Triều Tiên giải thích rằng họ đã chuẩn bị phá dỡ một cơ sở chính (Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon) một cách vĩnh viễn và hoàn toàn, nhưng chỉ để đổi lấy việc giảm đáng kể các lệnh trừng phạt hiện đang được áp đặt.

Sự thất vọng ở Hà Nội có lẽ là kết quả tất yếu của một quá trình mà hai nhà lãnh đạo có toàn quyền quyết định, lạc quan về mối quan hệ cá nhân và tự tin vào khả năng của mỗi người.

Các quan chức cấp cao và nhân viên dưới quyền khác, những người thường phải dành nhiều tuần và nhiều tháng để chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh tầm cỡ như vậy, lại chỉ có một vai trò rất hạn chế.

Câu hỏi là phải làm gì bây giờ? Một giải pháp là cố gắng đàm phán một thỏa hiệp: Hoặc tháo dỡ thêm cơ sở hạ tầng hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ nhiều biện pháp trừng phạt hơn, hoặc ít tháo dỡ hơn để đổi lấy ít dỡ bỏ hơn.

Mặc dù một trong hai cách tiếp cận này là "khả thi" nhưng kết quả của cả hai sẽ không thật lý tưởng. Đơn giản là đồng ý từ bỏ các cơ sở hạt nhân riêng lẻ không đồng nghĩa với phi hạt nhân hóa.

['Tổng thống Mỹ hiểu rõ nhất về khả năng Triều Tiên phóng hạt nhân']

Thật vậy, kết quả đó thậm chí không giúp cộng đồng quốc tế tiến gần hơn đến phi hạt nhân hóa bởi nhiều khả năng vẫn có các cơ sở được xây dựng mới hoặc mở rộng trong khi các cơ sở khác đang bị dỡ bỏ.

Quả thực khả năng này dường như đang xảy ra. Trong khi đó, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ gỡ bỏ áp lực đối với Triều Tiên trong việc thực hiện các bước đi có ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa.

Vậy đâu là những lựa chọn thay thế? Sử dụng lực lượng quân sự hạn chế sẽ có nguy cơ dẫn tới leo thang, một cuộc chiến tốn kém không bên nào được hưởng lợi và một cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Và với khả năng chống chọi như của Triều Tiên, chỉ với các biện pháp trừng phạt hiện tại hoặc được tăng cường thêm không thôi rất khó có thể buộc ban lãnh đạo nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Hơn nữa, cho dù có gây bao nhiêu áp lực đối với Triều Tiên, Trung Quốc và Nga vẫn có thể sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng vì lợi ích chiến lược của họ trong việc không để một bán đảo Triều Tiên thống nhất và liên minh với Mỹ. Do vậy, hy vọng Triều Tiên sẽ "tự sụp đổ" là không thực tế.

Ông Donald Trump dường như có ý tưởng phi thực tế rằng Triều Tiên sẽ tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân để trở thành "con hổ kinh tế châu Á" tiếp theo. Nhưng trong khi ông Kim Jong-un muốn các biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ, chính vấn đề cải cách kinh tế sẽ đe dọa quyền lực của ông trong khi từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng sẽ khiến Triều Tiên và ban lãnh đạo của nước này dễ "bị tổn thương."

Ông Kim Jong-un chắc hẳn đã rút ra nhiều bài học từ những gì xảy ra với Ukraine (vốn đã tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô vào đầu những năm 1990) cũng như với Saddam Hussein của Iraq và Muammar al-Qaddafi của Libya.

Tuy nhiên giữ nguyên hiện trạng cũng không phải là giải pháp bởi lệnh cấm thử nghiệm hiện nay có thể hết hiệu lực. Thật vậy, Triều Tiên đang đe dọa sẽ khôi phục các vụ thử nghiệm hạt nhân và có bằng chứng cho thấy họ đang khôi phục lại cơ sở thử nghiệm tên lửa chính.

Động thái này có thể là một nỗ lực khiến Mỹ phải linh hoạt hơn hoặc việc Triều Tiên thực sự có thể chuẩn bị khởi động lại các hoạt động thử nghiệm vũ khí (động thái có thể khiến Mỹ khôi phục các cuộc tập trận thường niên quy mô lớn với Hàn Quốc và thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới).

Theo đó, các cuộc đối thoại có thể bị đình chỉ và tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở lại bối cảnh cách đây hai năm với nhiều lời buộc tội, nghi ngờ lẫn nhau...

Ngay cả khi không có những diễn tiến như vậy, "giữ nguyên hiện trạng" cũng không phải là điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn.

Cách tiếp cận mới cho phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, ảnh phải) thị sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 tại tỉnh Pukchang, miền Tây Triều Tiên ngày 22/5/2017. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Triều Tiên có thể tranh thủ thời gian để tăng số lượng vũ khí hạt nhân của mình, cải tiến đầu đạn và hệ thống phóng mà không cần đến những hoạt động thử nghiệm quá lộ liễu.

Có một sự khác biệt lớn giữa một Triều Tiên được trang bị một số đầu đạn không hiệu quả và tên lửa không chính xác và một Triều Tiên với hàng tá vũ khí tối tân có thể được gắn trên tên lửa tầm xa chính xác có khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Tại thời điểm này, bất kỳ biện pháp khả thi nào cũng phải bắt đầu bằng việc chấp nhận một thực tế rằng phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng đầy đủ không phải là một khả năng sớm đạt được.

Không cần và không nên từ bỏ một mục tiêu dài hạn như vậy mắc dù nó cũng không thể chi phối chính sách trong ngắn hạn. Giải pháp "tất cả hoặc không có gì" đối với Triều Tiên sẽ không mang lại kết quả. Vì vậy, sẽ có lý hơn nếu theo đuổi cách tiếp cận theo từng giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu, Triều Tiên sẽ đồng ý đóng băng không chỉ việc thử nghiệm tên lửa mà còn cả hoạt động sản xuất nguyên liệu hạt nhân, vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Điều này sẽ đòi hỏi chính quyền Bình Nhưỡng phải cung cấp một báo cáo chi tiết (kê khai) các cơ sở hạt nhân có liên quan và chấp nhận cho các thanh sát viên quốc tế tiến hành xác minh tại thực địa.

Đổi lại, Triều Tiên sẽ nhận được sự dỡ bỏ đáng kể các lệnh trừng phạt mà họ đề xuất trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua ở Hà Nội. Cũng có thể chấm dứt tình trạng chiến tranh đã tồn tại trong 7 thập kỷ qua và các văn phòng liên lạc có thể được mở tại Washington và Bình Nhưỡng. 

Việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng sẽ chỉ xảy ra khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Điều này có thể là quá nhiều đối với Triều Tiên, một xã hội "khép kín nhất thế giới."

Do đó, tác giả Richard N. Haass cho rằng phần lớn các biện pháp trừng phạt cần được giữ nguyên và sẽ chỉ được dỡ bỏ theo tỷ lệ với sự tháo dỡ và chỉ chừng nào thế giới có thể tin tưởng rằng Triều Tiên sẽ không phát triển các năng lực mới để thay thế những thứ mà họ đang từ bỏ.

Và Mỹ có thể chỉ định những cơ sở nào của Triều Tiên (ngoài Yongbyon) phải được tháo dỡ. Tuy nhiên, ngay cả cách tiếp cận ít tham vọng này cũng có thể "cực kỳ khó khăn" nhưng do có tính rủi ro cao và các lựa chọn khó khăn trong quan hệ với Triều Tiên, bất kỳ giải pháp khả thi nào nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng đều đáng được theo đuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục