Cải cách thể chế, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch

Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro về cải cách dàn trải, thiếu trọng tâm. Một số lĩnh vực cải cách có thể đã ‘chạm trần’ và khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm mới và quyết liệt.
Cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu lớn hậu COVID-19. (Ảnh minh họa/TTXVN)
Cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu lớn hậu COVID-19. (Ảnh minh họa/TTXVN)

Diễn biến đợt dịch COVID-19 lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng Tư đến tháng Chín khiến một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Hệ lụy là nhiều rủi ro đang tác động tới đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, bao gồm cạnh tranh địa chính trị, căng thẳng thương mại và những thách thức liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, làm thế nào để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững cho nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là yêu cầu lớn được đặt ra.

Nhiều chính sách vẫn chưa đủ "sức nặng"

Phát biểu tại hội thảo tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025,” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ từ Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 29/10, tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không dễ dàng đối với Việt Nam.

Theo bà Minh, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ vẫn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, chủ động tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để đưa ra quyết sách đồng thời nỗ lực giữ đà cải cách thể chế trong giai đoạn khó khăn này.

Nhiều biện pháp trong lĩnh vực thuế, tín dụng, trợ cấp cho người lao động… được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, như đơn giản hóa điều kiện và rút ngắn thời gian tiếp cận các thủ tục hành chính, giảm bớt khó khăn và chi phí trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

“Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ chính sách, như miễn-giảm-giãn-hoãn thực hiện nghĩa vụ thuế hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay ngân hàng, miễn-giảm lãi suất và phí… trên thực tế chưa đủ ‘sức nặng’. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro về cải cách dàn trải, thiếu trọng tâm. Một số lĩnh vực cải cách có thể đã ‘chạm trần’ thể chế, vì vậy rất khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới và quyết liệt hơn,” bà Minh thẳng thắn chỉ ra.

Cải cách thể chế, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch ảnh 1Hội thảo tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025,” ngày 29/10. (Ảnh: Vietnam+)

Thêm vào đó, bà Minh cho rằng dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hóa những vấn đề cố hữu của Việt Nam, điển hình như việc phối hợp giữa các địa phương kết nối kinh tế vùng hay giữa các ban, ngành trong giải ngân đầu tư công. Do đó, Việt Nam cần thiết phải tư duy về đổi mới theo hướng hiện đại, để hỗ trợ cho cải cách, nhằm tránh tình trạng - “làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng.”

Chưa kể, theo tiến sỹ Cấn Văn Lực-Kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chất lượng các văn bản chính sách còn hạn chế, bất cập và thiếu tính nhất quán. Do vậy, nhiều chính sách khi thực hiện cho thấy thiếu “sức sống, sức bền.” Thêm vào đó là việc đưa ra các văn bản hướng dẫn chậm trễ và "điểm nghẽn" lớn nhất vẫn là việc thực thi chính sách kém hiệu quả.

Đẩy mạnh phục hồi từ cải cách

Đưa ra những vấn đề thực tiễn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng chậm, song hành với việc sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ) để hỗ trợ nền kinh tế, thì cải cách thể chế hiệu quả cần được quan tâm, từ đó thu hút nguồn lực mạnh mẽ của người dân, phát huy vai trò của đầu tư công song không gây ra tác động “chèn lấn” đối với các nguồn lực đầu tư khác.

Theo ông Dương, cải cách thể chế phải đi vào mục tiêu rõ ràng, như mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…) một cách bền vững. Cải cách phải thúc đẩy được quyết tâm xây dựng chính sách, đi kèm với nhận thức và quyết tâm thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, các hoạt động kinh tế mới đang đặt ra không ít vấn đề chưa có tiền lệ.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, ông Dương nhấn mạnh sức ép phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đòi hỏi phải nâng cao nội lực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển… Song song đó, môi trường kinh doanh cần cải thiện theo hướng bảo đảm minh bạch, phân bổ nguồn lực công bằng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quản trị hiệu quả hơn trong chuỗi cung ứng, nhất là giai đoạn sau COVID-19 cũng như tăng cường tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Ông Cấn Văn Lực nhận định dịch COVID-19 có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong một vài năm tới. Bên cạnh việc nhanh chóng khắc phục hậu quả do COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế, cải cách thể chế sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và kỹ năng số, hệ thống mạng lưới an sinh xã hội an toàn tốt hơn cùng mức độ lành mạnh cũng như sự chống chịu của hệ thống tài chính.

Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, việc chuyển đổi số tạo điều kiện cho Việt Nam đi cùng với thế giới mà không phải là “chạy theo hay bắt kịp.” Ông cho rằng điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, không nên bó hẹp trong tư duy cũ. Hơn nữa, các đầu mục cho cải cách đã có hết trong những năm gần đây. Điểm cốt yếu hiện nay là việc thực thi và thực hiện cải cách.

Đồng tình với những đánh giá trên, bà Trần Thị Hồng Minh khuyến nghị trong thời gian tới, việc cần thiết là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo công nghệ tạo ra sức mạnh của nền kinh tế. Theo bà, mở rộng không gian kinh tế là vấn đề tương đối mới gắn liền với quy hoạch, ban hành  thể chế liên kết vùng, mở rộng không gian liên kết. Bài học từ trong đại dịch COVID-19 cho thấy cần sớm khắc phục những khó khăn về quy hoạch và thiếu thể chế liên kết vùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục