Cải thiện điều kiện làm việc cho nữ lao động di cư

Nữ LĐ di cư đối mặt với nhiều rủi ro do khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các điều kiện sống đảm bảo, bị đối xử phân biệt.
Ngày 28/8, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đã tổ chức Hội thảo định hướng cho dự án “Chúng tôi là phụ nữ- Trao quyền cho phụ nữ lao động di cư tại Việt Nam”.

[50% lao động đã có việc làm vẫn di cư tới thành thị]

Dự án này được tài trợ bởi Quỹ Bình đẳng giới của UN Women trong 3 năm 2013 – 2015 với ngân sách 200.000 USD.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, dự án “Chúng tôi là phụ nữ-Trao quyền cho phụ nữ lao động di cư tại Việt Nam" của LIGHT đã vượt qua được 901 dự án trên thế giới và trở thành dự án đầu tiên của một tổ chức ở Việt Nam được UN Wimen tài trợ.

Thực tế cho thấy, nữ lao động di cư đối mặt với nhiều rủi ro do khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các điều kiện sống đảm bảo, bị đối xử phân biệt trên thị trường lao động và do những định kiến xã hội đối với họ.

Đặc biệt, nhiều bằng chứng cho thấy một số nữ lao động di cư dễ bị tấn công bởi bạo lực do họ làm các công việc giúp việc ở trong gia đình vốn khó bị điều chỉnh bởi pháp luật, mặc dù Bộ Luật lao động sửa đổi đã công nhận lao động giúp việc gia đình. Nếu những vấn đề giới này không được phát hiện ra và được giải quyết, các thành tựu xã hội-kinh tế mới dường như sẽ không bền vững.

Vì vậy, dự án “Chúng tôi là phụ nữ-Trao quyền cho phụ nữ lao động di cư tại Việt Nam" nhằm tăng cường tiếp cận với các quyền của nữ lao động di cư từ nông thôn, đặc biệt lao động nữ trong môi trường không chính thức tại Việt Nam.

Dự án đưa đến một số tác động nhằm cải thiện quyền của nữ lao động di cư ở Việt Nam như: Tăng khả năng và sự tiếp cận của phụ nữ và nam giới di cư đối với các phúc lợi xã hội và dịch vụ y tế, tăng cường năng lực tiếp cận với các cơ hội việc làm, phát triển kinh tế, đảm bảo bình đẳng giới và quyền được tôn trọng nhằm nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của phụ nữ di cư nông thôn, cả ở điểm đến và điểm đi.

Dự kiến, dự án sẽ triển khai tại 5 phường của Hà Nội (nơi đến) và 6 xã nông thôn (điểm đi). Dự kiến, khoảng hơn 1.000 phụ nữ và hơn 1.000 nam giới sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ các can thiệp của dự án, khoảng hơn 6.200 phụ nữ và 5.600 nam sẽ hưởng lợi gián tiếp từ dự án./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục