Cải thiện môi trường xây dựng: Cần hiểu luật để phát triển bền vững

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để khai hiệu quả các nội dung, quy định về pháp luật môi trường, điều quan trọng đầu tiên với tất cả mọi người là cần phải hiểu luật.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Qua hơn 10 tháng triển khai Luật Bảo vệ môi trường, bộ luật có ý nghĩa sống còn với môi trường đã dần đi vào cuộc sống và bước đầu có những bước chuyển tích cực. Dù vậy, trong quá trình thực hiện cũng đang nảy sinh nhiều vướng mắc do việc triển khai một số thủ tục còn mất thời gian, nhận thức về luật của doanh nghiệp “chưa rõ ràng.”

Vướng mắc khi triển khai luật

Tại Hội thảo “Giới thiệu, phổ biến văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến ngành xây dựng năm 2022” diễn ra ngày 22/11, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết chức năng quản lý nhà nước về quản lý môi trường trong lĩnh vực xây dựng đã có nhiều thay đổi.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trước đây do Bộ Xây dựng quản lý, nay đã chuyển sang Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là bước chuyển rất quan trọng để giảm khó khăn về quản lý nhà nước cho bộ, ngành xây dựng.

[Phân loại rác thải tại nguồn: Phải làm tốt từ khâu chuẩn bị]

Tương tự, các thủ tục liên quan đến việc Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng đã có sự thay đổi. Trước đây, những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trường, dự án của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thì việc thẩm định ĐTM thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Còn nay, việc thực hiện được triển khai ở 2 cấp.

Cụ thể, ở cấp trung ương, việc phê duyệt ĐTM do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện. Còn ở địa phương, trách nhiệm phê duyệt ĐTM thuộc về do sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố.

Một điểm thay đổi khác là việc thanh tra đối với các ngành nghề nói chung, ngành xây dựng nói riêng thì phải có sự kết hợp với đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Thịnh, những quy định pháp luật mới kể trên có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý của ngành xây dựng. “Thế nhưng, chúng tôi vẫn xác định sẽ tích cực phối hợp, tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật môi trường liên quan đến lĩnh vực xây dựng, hướng tới môi trường xanh, sạch, đẹp hơn,” ông Thịnh nói.

Dù vậy, đại diện Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận qua một thời gian triển khai áp dụng Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08 và Thông tư số 02 nêu trên, cơ quan này đã tiếp nhận được một số phản hồi bày tỏ sự khó khăn trong quá trình triển khai các thủ tục về môi trường của một số đơn vị trực thuộc bộ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất có liên quan.

“Ví dụ như việc cấp giấy phép môi trường (tích hợp 7 loại thủ tục giấy phép khác nhau thành 1 loại giấy phép - Giấy phép môi trường). Mặc dù quy định của luật rất rõ nhưng quá trình thực hiện đang có nhiều vướng mắc, không phải dễ dàng. Giả sử, nếu một giấy phép hết hạn sẽ phải điều chỉnh những giấy phép khác. Trong khi, việc này liên quan đến thủ tục, hồ sơ, chưa kể sự chuẩn bị, thời gian; thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp,” ông Thịnh lưu ý.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng nêu lên thực tế “chậm chuyển biến” trong việc triển khai quy định của pháp luật về môi trường. Đơn cử như quy định về “nhãn sinh thái” cho các sản phẩm, từ đầu năm 2022 đến nay (khi các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường được ban hành), hầu như chưa có doanh nghiệp nào trong lĩnh vực xây dựng đăng ký nhãn sinh thái.

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp cũng nêu lên thực tế khó khăn, phức tạp trong quá trình làm thủ tục cấp giấy phép môi trường. Trong khi có những dự án chỉ phải xử lý nước thải tập trung, cần phải đẩy nhanh tiến độ, nhưng để được triển khai, doanh nghiệp vẫn phải đi hỏi quy trình và bắt buộc phải đi làm giấy phép môi trường rất phức tạp và tốn thời gian.

Hiểu luật để làm đúng pháp luật

Từ thực tế trên, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hướng dẫn, trao đổi, tăng cường phổ biến quy định pháp luật cũng như kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực thi, để kịp thời có giải pháp điều chỉnh, đảm bảo việc triển khai thuận lợi hơn.

Cải thiện môi trường xây dựng: Cần hiểu luật để phát triển bền vững ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Lê Thị Minh Ánh, chuyên viên Vụ Chính sách pháp chế và thanh tra, Tổng cục Môi trường cho rằng để khai hiệu quả các nội dung, quy định về pháp luật môi trường, điều quan trọng đầu tiên với tất cả mọi người là cần phải hiểu luật.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bà Ánh cho biết đây là luật thứ tư về môi trường, với rất nhiều điểm mới. Trước đây, đi kèm với luật, thường có rất nhiều các Nghị định thành phần (mỗi nghị định quy định một vấn đề về môi trường khác nhau). Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các vấn đề quy định chi tiết đã được “quy về một mối” tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy vậy, bà Ánh cũng thừa nhận thực tế một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hiện đang nằm rải rác ở cả trong Luật, trong Nghị định, phụ lục Nghị định, lẫn trong Thông tư và phụ lục Thông tư.

"Do vậy, nhiều khi tra một nội dung nào đó, có thể phải giàn hàng ngang cả 3 loại văn bản cùng lúc," bà Ánh chia sẻ và cho rằng những cuộc hội thảo, tập huấn phổ biến pháp luật về môi trường là cơ hội để đại diện các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp về xây dựng nói riêng hiểu luật và từ đó làm đúng quy định pháp luật.

Trên cơ sở đó, bà Ánh đã giới thiệu chi tiết một số quy định “trọng yếu” của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, điển hình như: Phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cấp giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, bà Ánh cũng đề cập đến các quy định có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, quán triệt tinh thần “coi rác thải là tài nguyên;” báo cáo, đăng ký miễn trừ các chất POT như xốp cách nhiệt, xốp cứng; quản lý nước thải; quản lý khí thải (kiểm kê, phát thải khí nhà kính) và các chất làm suy giảm tầng ozone./.

Hội thảo “Giới thiệu, phổ biến văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan ngành Xây dựng năm 2022” do Bộ Xây dựng tổ chức, có sự tham dự của gần trăm đại biểu đến từ 23 Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung; các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, và các doanh nghiệp, hiệp hội, hội nghề nghiên liên quan đến xây dựng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục