Ngày 14/2, giới chức Cameroon thông báo đã phát hiện hai trường hợp nghi mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg tại Olamze, một xã nằm giáp biên giới với Guinea Xích đạo.
Trước đó, Cameroon đã hạn chế việc đi lại dọc khu vực biên giới để ngăn nguy cơ lây nhiễm sau các báo cáo về một đợt bùng phát dịch bệnh chưa xác định ở nước láng giềng Guinea Xích đạo trong tuần trước.
Ngày 13/2, Guinea Xích đạo đã chính thức tuyên bố đợt bùng phát đầu tiên của dịch sốt xuất huyết do virus Marburg, một căn bệnh tương tự như bệnh do virus Ebola gây ra.
Phát biểu tại cuộc họp ở thủ đô Yaounde của Cameroon, ông Robert Mathurin Bidjang, một quan chức y tế khu vực, thông báo nước này ngày 13/2 đã phát hiện hai trường hợp nghi mắc bệnh là 2 trẻ em mà trước đó không đến các khu vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh ở Guinea Xích đạo.
Ông cho biết 42 người tiếp xúc với hai trường hợp này đã được xác định danh tính và việc truy vết những người tiếp xúc khác đang được tiến hành.
[WHO họp khẩn vì ổ dịch sốt xuất huyết do virus Marburg]
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang tăng cường giám sát dịch bệnh ở Guinea Xích đạo. Đại diện của WHO tại quốc gia trên George Ameh cho biết công tác giám sát tại hiện trường đã được tăng cường, trong đó có việc tái triển khai các nhóm đối phó với đại dịch COVID-19 tại quốc gia Trung Phi này.
WHO cũng đang thực hiện kế hoạch ứng phó trong 30 ngày để có thể tính toán các biện pháp và nhu cầu chính xác tại đây. Ông xác nhận rằng Guinea Xích đạo đã không báo cáo trường hợp mới nghi nhiễm virus Marburg trong 48 giờ qua.
Marburg là một chủng virus lây từ động vật sang người với vật chủ tự nhiên là một loài dơi ăn quả có tên khoa học là Rousettus aegyptiacus. Đây là lý do người có nguy cơ lây nhiễm cao thường là những người sống và tiếp xúc nhiều với các loài dơi hoang dã trong các hang động.
Loài dơi này khá phổ biến tại châu Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Độ. Virus có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, hoặc các bề mặt và vật liệu có các chất dịch này.
Ở các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, tỷ lệ tử vong khi nhiễm Marburg là từ 24-88%, tùy thuộc vào chủng virus và việc kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào có thể áp dụng với virus Marburg.
Theo WHO, cơ hội sống sót của bệnh nhân có thể được cải thiện khi được chăm sóc, đặc biệt là qua việc cung cấp đủ nước cho cơ thể và điều trị các triệu chứng cụ thể./.