Cán cân sức mạnh nghiêng về chính quyền al-Assad?

Tổng thống Syria al-Assad và các đồng minh tự tin cho rằng cán cân của cuộc nội chiến ở nước này đang nghiêng về phía có lợi cho họ.
Theo AP, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh tự tin cho rằng cán cân của cuộc nội chiến Syria đang nghiêng về phía có lợi cho họ, một phần là nhờ sự xuất hiện của các phần tử cực đoan có mối liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda trong hàng ngũ quân nổi dậy và thái độ do dự của cộng đồng quốc tế trong việc đưa ra một quyết định dứt khoát nhằm can thiệp vào cuộc chiến kéo dài hơn hai năm qua ở đất nước này.

Chính quyền Assad, với những "lợi thế" kể trên, đang không chỉ đẩy mạnh chiến sự mà còn tăng cường miêu tả cuộc xung đột này như cuộc chiến giữa một bên là chế độ Assad và một bên là các phần tử cực đoan.

Tổng thống Assad cho rằng ông ta có thể "vượt qua cơn bão" hiện nay nhờ một số yếu tố:

Thứ nhất, hai năm sau cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị hà khắc của dòng tộc Assad, chính phủ của ông vẫn giữ vững quyền kiểm soát thủ đô Damascus, tỷ lệ đào ngũ trong quân đội giảm và các đồng minh quốc tế chủ chốt là Nga và Trung Quốc vẫn sát cánh bên cạnh chính quyền Syria.

[Tổng thống Syria tiếp tục xuất hiện trước công chúng]

Rami Abdul-Rahman, Giám đốc Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, cho biết số binh sỹ và chính khách đào ngũ đã "giảm đáng kể" trong những tháng gần đây, những người ở lại và tiếp tục chiến đấu là "lực lượng nòng cốt ủng hộ chính quyền" và lực lượng này sẽ chiến đấu tới cùng.

Thứ hai, chính quyền Damascus cũng "được lợi" từ những ồn ào xung quanh đoạn băng ghi âm được phát đi hồi tháng trước, trong đó lãnh đạo nhóm cực đoan Jabhat al-Nusra - một trong những nhóm nổi dậy mạnh và hoạt động hiệu quả nhất tại Syria - tuyên bố trung thành với lãnh đạo của tổ chức khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahiri.

Chính quyền Assad ngay lập tức cho rằng tuyên bố của lãnh đạo Jabhat al-Nusra về lòng trung thành đối với al-Qaeda là bằng chứng cho thấy chính quyền đang phải chống lại những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, một số thành viên phe đối lập chỉ trích rằng đoạn băng ghi âm thực chất là do chính quyền giả mạo để bôi nhọ phong trào nổi dậy.

Từ khi cuộc nổi dậy nổi ra hồi tháng 3/2011, chính quyền của Tổng thống Assad liên tục cho rằng phong trào chống chính quyền được hậu thuẫn bởi những kẻ khủng bố và các tay sai do phương Tây giật dây. Chính quyền đã đáp trả bằng các cuộc đàn áp quân sự, khiến nhiều người phải cầm vũ khí chống lại. Dần dần, phong trào chống chính quyền trở thành một cuộc nổi dậy có vũ trang, kéo theo sự xuất hiện của các nhân tố cực đoan và cả các chiến binh nước ngoài.

Sau khi gần như "biến mất" trước công chúng kể từ bài phát biểu kéo dài một giờ đồng hồ tại Nhà hát Opera ở trung tâm thủ đô Damascus hồi tháng 1/2013, tháng trước, Tổng thống Assad đã xuất hiện và tham gia hai cuộc phỏng vấn được phát trên truyền hình.

Trên kênh truyền hình nhà nước Al-Ikhbariya ngày 17/4, Tổng thống Assad nói: "Tôi có thể khẳng định mà không hề khoa trương rằng tình hình Syria hiện tại đã tiến triển tốt hơn nhiều so với giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Cùng với thời gian, người ta ngày càng nhận thức rõ hơn về những nguy hiểm đang diễn ra. Họ bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn về một Syria mà chúng ta đã từng có, và nhận ra giá trị của sự an toàn, an ninh và hài hòa mà chúng ta đã được hưởng."

[“Hezbollah không để chế độ Bashar al-Assad sụp đổ”]

Ngày 1/5, Tổng thống Assad lại tiếp tục bất ngờ xuất hiện trước công chúng. Nhà lãnh đạo này đã tới thăm các công nhân làm việc tại Trạm điện lực Umayyad, nằm trong Công viên Tishreen ở Damascus, và tuyên bố đầy tự tin: "Họ dọa dẫm, song chúng ta không sợ hãi... Họ muốn chúng ta phải trốn chạy, song chúng ta sẽ không làm vậy."

Những người phản đối Tổng thống Assad cáo buộc ông khuyến khích và hậu thuẫn các phần tử cực đoan trong hàng ngũ quân nổi dậy, như việc thả hàng trăm chiến binh thánh chiến Hồi giáo trong giai đoạn đầu, do biết chắc lực lượng này sẽ chống lại cuộc nổi dậy.

Ammar Abdulhamid - một nhà hoạt động xã hội ủng hộ dân chủ người Syria, hiện đang sống tại Washington và là Giám đốc Quỹ Tharwa - nói rằng mặc dù rõ ràng chính quyền đã mất quyền kiểm soát đối với các lực lượng này, song sự hiện diện của họ sẽ giúp chính quyền đạt được mục đích. Chính quyền có thể lợi dụng lực lượng này cùng các hoạt động của họ để củng cố thông điệp "chính quyền hay những kẻ khủng bố."

Chính quyền Assad từ lâu đã muốn thúc đẩy cái gọi là tư tưởng thế tục và chủ nghĩa dân tộc tại Syria trong khi vẫn lợi dụng các phần tử cực đoan để trục lợi. Năm 2003, có thông tin cho rằng chính quyền Syria đã "bật đèn xanh" cho các chiến binh thánh chiến Hồi giáo sử dụng lãnh thổ của mình để xâm nhập Irắc và chiến đấu chống lại lực lượng quân đội Mỹ.

Randa Slim, thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ Tân Hoa Kỳ tại Washington, nói: "Đó là trò chơi mà chính quyền Assad đang dần hoàn thiện. Họ tạo ra rắc rối và rồi họ cho thế giới thấy các giải pháp của họ để giải quyết vấn đề."

Vai trò của các phần tử cực đoan trong cuộc nội chiến đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cả người dân Syria và các quan chức phương Tây. Sự hiện diện của lực lượng này là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng quốc tế do dự trong việc vũ trang phe đối lập.

Abdulhamid cho rằng nếu các nhóm cực đoan như al-Nusra gia tăng ảnh hưởng tại Syria, một số nhà lãnh đạo phương Tây sẽ có xu hướng thiên về lập luận của chính quyền Assad. Ông nói: "Lập luận 'Chính quyền hay những kẻ khủng bố' tuy không ngay lập tức có những tác động đáng kể, song nó lại từng bước gây được ảnh hưởng và có trọng lượng hơn đối với giới lãnh đạo phương Tây"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục