Cần Thơ bố trí trên 9.700 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024

Năm 2024, Cần Thơ sẽ bố trí vốn đầu tư công trên 9.718 tỷ đồng để triển khai các dự án quan trọng; trong đó có tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đoạn đi qua thành phố Cần Thơ.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Chiều 14/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước thành phố Cần Thơ năm 2024.

Nhận diện rõ ràng những tồn tại, hạn chế trong năm 2023 và dự báo những khó khăn của tình hình kinh tế-xã hội, thành phố Cần Thơ nỗ lực và quyết tâm nắm bắt cơ hội, tổ chức triển khai Nghị quyết Đảng bộ, Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố đề ra trong năm 2024 với 17 chỉ tiêu kinh tế-xã hội và 2 chỉ tiêu xây dựng Đảng.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,5-8%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP-giá hiện hành) bình quân đầu người đến năm 2024 đạt 104-106 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,15%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,55%; công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80% trở lên so với tổng số đảng viên được đánh giá, kết nạp 1.600 đảng viên trở lên;...

Năm 2024, Cần Thơ sẽ bố trí vốn đầu tư công trên 9.718 tỷ đồng để triển khai các dự án; trong đó, có các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1) - đoạn đi qua thành phố Cần Thơ, đường vành đai phía Tây, đường tỉnh 917, đường tỉnh 918 (giai đoạn 2), đường tỉnh 921, đường tỉnh 923, đặc biệt dự kiến khởi công dự án Cải tạo 5 nút giao thông trọng điểm thành phố;...

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ;... với quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét và đạt hiệu quả thiết thực nhất cho thành phố.

can-tho1-6335.jpg
Quang cảnh Thành phố Cần Thơ.(Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó, chủ động phối hợp thực hiện tốt việc triển khai Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch; đồng thời triển khai các quy hoạch hạ tầng được phê duyệt, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch thành phố đã được phê duyệt; triển khai hiệu quả kết quả Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư năm 2023, trọng tâm là triển khai các Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 44 nhà đầu tư.

Để tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, ông Trần Việt Trường đề nghị các chủ đầu tư được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, phải quyết liệt thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai dự án, có khối lượng thanh toán và giải ngân ngay từ đầu năm; đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố; tiếp tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án mới. Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Dự án tuyến Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1;...

Người đứng đầu chính quyền Cần Thơ đề nghị các sở, ban ngàng tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu; tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên; triển khai giải pháp mở rộng quy mô ngân sách. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ đạo thủ trưởng các ngành tăng cường đi cơ sở, sâu sát với thực tiễn tình hình theo thẩm quyền quản lý, nhất là tiếp tục chủ động làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, từng dự án, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc; kể cả cơ sở sản xuất kinh doanh và sản xuất của nông hộ; chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Cùng với đó, triển khai giải pháp tạo bước đột phá trong kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó mạnh dạn đổi mới phương thức tiếp cận và hoạt động thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp thật sự có năng lực, có tính dẫn dắt tham gia các dự án trên địa bàn; tiếp tục kiểm tra, rà soát để đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không đảm bảo năng lực trước tình hình mới.

Năm 2023, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đánh giá và xác định còn một số tồn tại, hạn chế: tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2023 chưa đạt yêu cầu, chỉ xếp thứ 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 9/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 41/63 tỉnh, thành cả nước; tổng vốn đầu tư trên địa bàn chưa đạt kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm; kết quả thu ngân sách nhà nước dù đạt kế hoạch nhưng chưa tương xứng với tiềm lực của thành phố.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục