Nhằm phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thành phố Cần Thơ năm 2020."
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ Trương Quốc Trạng, đề án này tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính nhằm thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới theo hướng lập nghiệp và khởi nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; phát triển hộ kinh doanh cá thể lên mô hình doanh nghiệp; vận động chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty, doanh nghiệp chuyển đổi sang thành lập doanh nghiệp trực thuộc đóng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố chủ trương tìm kiếm, tuyển chọn và tập hợp các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp mới mẻ, sáng tạo và có triển vọng phát triển nhất để tiến hành đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ được tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi mà còn tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường. Đặc biệt, mọi phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp đều được thành phố tiếp nhận và tiến hành xử lý vào thứ hai hàng tuần, gọi là “Ngày thứ hai doanh nhân."
Thành phố còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sẵn có, tiến tới hình thành Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
[Hà Nội: Đồng hành cùng doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp]
Thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu từ năm 2020-2025 sẽ tổ chức ít nhất 3 hội nghị, hội thảo và tọa đàm mỗi năm để giới thiệu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng diễn đàn trực tuyến và truyền thông qua hệ thống mạng xã hội về tình hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.
Hằng năm, thành phố sẽ tổ chức các lớp đào tạo cơ bản, nâng cao và chuyên sâu về nhận thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo tâm thế khởi nghiệp và khuyến khích ý chí sáng tạo cho các đối tượng là học sinh, sinh viên và thanh niên từ các viện, trường nhằm phát triển, hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp; xây dựng mô hình kinh doanh, phương thức gọi vốn đầu tư và các kỹ năng cần thiết khác trong quá trình khởi nghiệp.
Đặc biệt, từ năm 2020, Cần Thơ sẽ tiến hành 3 dự án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng, bao gồm các dự án: “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” để đào tạo kỹ năng điều hành doanh nghiệp cho các cá nhân khởi nghiệp; “Hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” nhằm giúp một phần kinh phí trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm và mô hình kinh doanh; “Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” để kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố Cần Thơ với các địa phương khác trên cả nước và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thành phố hỗ trợ thành công cho ít nhất 10 cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn thiện kế hoạch kinh doanh và gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư để bắt đầu đi vào hoạt động thực tiễn.
Theo Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam, nhiều hoạt động mang tính chất kiến tạo, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được triển khai, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động cùng như đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Việc cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và dịch vụ công trực tuyến được nâng cao.
Năm 2019, Cần Thơ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua với 1.488 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 13.085 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 8.351 đơn vị, đạt bình quân 8,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, chiếm khoảng 26% doanh nghiệp cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, thúc đẩy khởi nghiệp tại thành phố Cần Thơ cũng phải đối mặt với không ít trở ngại. Trước hết, do đặc thù kinh tế vùng chủ yếu là nông nghiệp nên yếu tố rủi ro thời vụ cao. Hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nông nghiệp truyền thống thấp, lâu dần làm giảm tính sáng tạo trong các ý tưởng khởi nghiệp... Những điều này khiến các nhà đầu tư không mặn mà rót vốn bởi lo ngại về khả năng thu hồi chứ chưa nói đến việc sinh lợi về sau.
Một yếu tố khách quan khác là người dân thành phố Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh, trình độ và tay nghề cũng thấp. Thêm nữa, do là vùng nông nghiệp truyền thống nên nhiều người còn tâm lý an nhàn, sợ rủi ro dẫn đến không dám mạnh dạn mạo hiểm, sáng tạo.
Thực tế trên cho thấy, yêu cầu kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính đổi mới, tập trung vào việc phát triển hạ tầng khởi nghiệp và khuyến khích ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo, hiệu quả để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đối với thành phố Cần Thơ đang rất cấp thiết./.