Cần tới 11.200 binh sỹ để gìn giữ hòa bình tại Mali

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon cho rằng có thể phải cần đến 11.200 binh sỹ để thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Mali,
Hãng AFP dẫn lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon ngày 26/3 cho rằng có thể phải cần đến 11.200 binh sỹ để thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Mali, nhưng để chiến đấu chống các phần tử Hồi giáo cực đoan thì cũng cần một lực lượng quân sự “tương đương”.

Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thư ký Ban Ki-Moon nêu rõ 11.200 binh sỹ sẽ chỉ đủ để bảo vệ các thị trấn chính “được đánh giá là có nguy cơ cao nhất”.

Ông đồng thời nhấn mạnh “nhu cầu căn bản phải triển khai một lực lượng tương tự” ở Mali và có thể là ở cả các quốc gia láng giềng, một tín hiệu rõ ràng rằng Pháp sẽ phải duy trì sự can dự quân sự mạnh mẽ trong cuộc xung đột này.

Không nêu đích danh bất cứ nước nào đóng góp binh sĩ, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định lực lượng thứ hai “sẽ tiến hành các chiến dịch chiến đấu và chống khủng bố quy mô lớn cũng như cung cấp sự hỗ trợ về mặt chuyên gia bên ngoài phạm vi nhiệm vụ và khả năng của Liên hợp quốc”.

Pháp điều quân đến Mali hồi tháng 1 để ngăn cản các lực lượng Hồi giáo tiến về thủ đô Bamako. Lực lượng Hồi giáo và các phần tử ly khai Tuareg đã lợi dụng khoảng trống quyền lực xuất hiện sau một cuộc đảo chính quân sự để đánh chiếm miền Bắc Mali một năm trước.

Sau khi bị đánh bật khỏi Timbuktu và các thành phố khác của Mali, nay phiến quân Hồi giáo lại phát động các chiến dịch du kích nhằm vào các lực lượng Pháp, Chad và Mali.

Pháp muốn Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết trong tháng 4 nhằm thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình có thể triển khai vào tháng 7 tới. Phần lớn lực lượng này là các binh sỹ Tây Phi hiện đã có mặt ở Mali.

[Liên hợp quốc sắp triển khai phái bộ ổn định tại Mali]


Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các chiến dịch gìn giữ hòa bình, ông Edmond Mulet, cho biết phái bộ ổn định của Liên hợp quốc sẽ được triển khai thay thế lực lượng Pháp và châu Phi ở tại Mali từ tháng Bảy tới.

Tạp chí Maghreb ngày 16/3 dẫn lời ông Mulet, sau chuyến thăm Mali một tuần, nói rằng phái bộ của Liên hợp quốc sẽ không phải là lực lượng đệm giữa miền Bắc và miền Nam Mali mà mục tiêu chính của Liên hợp quốc là làm sao để Mali thực hiện chủ quyền của mình trên toàn lãnh thổ.

Hiện sứ mệnh quốc tế hỗ trợ Mali (MISMA) đã triển khai 6.300 quân ở Mali, cộng với khoảng 4.000 lính Pháp./.

Sau khi thu nhận lực lượng MISMA, phái bộ ổn định của Liên hợp quốc có thể sẽ có tới 10.000 người. Ngoài các nước thành viên Cộng đồng kinh tế Tây Phi và Chad sẽ có thêm Burundi và Mauritania gửi quân tham gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục