Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gần chạm đến 'điểm cháy'

Căng thẳng Mỹ-Iran tiến gần tới "điểm cháy" do Tehran tuyên bố sẽ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân nữa, còn chính của quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump điều thêm 1.000 binh lính tới Trung Đông.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gần chạm đến 'điểm cháy' ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ 2, trái) thăm quan triển lãm nhân Ngày công nghệ hạt nhân ở thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng AP, ngày 17/6, căng thẳng Mỹ-Iran tiến gần tới "điểm cháy" do Tehran tuyên bố sẽ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân nữa, còn chính của quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump điều thêm 1.000 binh lính tới Trung Đông.

Lầu Năm Góc cho biết các binh lính được triển khai thuộc lực lượng an ninh và quân đội, làm nhiệm vụ thu thập thêm thông tin tình báo và giám sát.

Mặc dù số lượng binh lính được điều động nói trên tương đối ít, song đây là bằng chứng cho thấy quân đội Mỹ đang gia tăng sức mạnh nhằm ngăn chặn Iran và xoa dịu các đồng minh vốn đang lo lắng rằng hoạt động trung chuyển hàng hóa thông qua các tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Trung Đông có thể gặp nguy hiểm.

Về phía Tehran, thông báo của họ vào sáng 17/6 đồng nghĩa với việc Iran có thể sớm bắt đầu làm giàu urani ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí, và động thái này có thể làm vô hiệu hóa những đảm bảo của Tổng thống Trump với các đồng minh rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái sẽ khiến thế giới trở nên an toàn hơn.

Những diễn biến này chắc chắn sẽ kích động căng thẳng ở Trung Đông và trở thành một bài kiểm tra về lòng quyết tâm cũng như uy tín của cả hai đối thủ. Iran cho biết họ sẽ không tuân thủ những giới hạn mà thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đặt ra đối với các kho dự trữ urani.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, khiến châu Âu và các đối tác khác trong thỏa thuận phải chật vật để thuyết phục Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận.

[Chuyên gia: Mỹ-Iran khó có khả năng tiến hành chiến tranh quân sự]

Điều nực cười là ngày 17/6, chính quyền Mỹ lại yêu cầu Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân từng - thỏa thuận từng bị Tổng thống Trump chế giễu là tồi tệ nhất trong lịch sử.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói với báo giới: “Chúng tôi kêu gọi chế độ Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân, tuân thủ các cam kết của họ đối với cộng đồng quốc tế.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng thông báo làm giàu urani của Iran chính là “sự thất hứa” và là một “thách thức đối với các chuẩn mực quốc tế” cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Bà Ortagus nói: “Đáng tiếc là họ đã đưa ra thông báo này vào ngày hôm nay. Điều đó chẳng làm ai ngạc nhiên và đó là lý do vì sao Tổng thống Mỹ thường nói rằng JCPOA cần được thay thế bằng một thỏa thuận tốt hơn.”

Khi công bố hoạt động triển khai binh lính mới nhất, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết lực lượng này “có nhiệm vụ phòng thủ để giải quyết các mối đe dọa trên không, trên biển và trên mặt đất ở Trung Đông.”

Ông nói: “Mỹ không muốn xung đột với Iran. Hành động ngày hôm nay được thực hiện để đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên quân sự của chúng tôi đang làm việc trên toàn khu vực và để bảo vệ những lợi ích quốc gia của chúng tôi,”\, và cho biết thêm Mỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh số binh lính khi cần thiết.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, một số người ủng hộ thỏa thuận này đã đổ lỗi cho chính quyền Trump là nguyên nhân khiến Iran phải đưa ra các tuyên bố khiêu khích.

Hiệp hội kiểm soát vũ khí cho biết: “Mặc dù việc Iran thất vọng với chiến dịch gây áp lực và những hành động vô trách nhiệm của ông Trump là điều dễ hiểu, song chúng tôi mong muốn Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Lợi ích của Iran vẫn được duy trì khi tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận và hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế…”

Iran đã thể hiện thái độ không sẵn sàng đàm phán veef một thỏa thuận khác và tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Mỹ vẫn duy trì chiến dịch “gây áp lực tối đa” bằng các biện pháp trừng phạt.

Các quan chức chính quyền Mỹ đang phải cân nhắc xem có nên buộc các nước tham gia thỏa thuận còn lại - gồm Anh, Pháp và Đức - cùng nhau yêu cầu Iran tuân thủ thỏa thuận hay không.

Quan chức này cho biết châu Âu sẽ quyết định xem Iran có vi phạm thỏa thuận hay không và có nên khởi xướng một cơ chế giải quyết tranh chấp mà sẽ khiến phía phải Iran tuân thủ thỏa thuận trở lại hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ gặp gỡ và thảo luận về vấn đề này với Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, trong tuần này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục