Căng thẳng tại Idlib: Liều thuốc thử cho quan hệ Nga-Thổ

Ankara có vẻ đang phụ thuộc vào Nga tại Syria. Hội nghị thượng đỉnh Tehran tuy thất bại nhưng lại có thể là động lực để các bên thúc đẩy xây dựng hiến pháp mới nhằm tiến tới tổ chức bầu cử tại Syria.
Căng thẳng tại Idlib: Liều thuốc thử cho quan hệ Nga-Thổ ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Ankara ngày 4/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng al-monitor.com ngày 12/9 đăng bài viết có tựa đề "Idlib - Thuốc thử quan hệ Nga-Thổ," nội dung như sau:

Thế giới rất chú ý đến Hội nghị thượng đỉnh Tehran diễn ra vừa qua giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đồng thời hy vọng rằng ba quốc gia "đối tác Astana" này có thể ngăn được tình trạng đổ máu tại Idlib, thuộc Tây Bắc Syria.

Tại hội nghị này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã ra tuyên bố đầy hứa hẹn, bày tỏ tin tưởng rằng có thể ngăn được một cuộc khủng hoảng tại căn cứ địa cuối cùng này của phe đối lập Syria.

Thế nhưng, hội nghị nói trên không những không đạt được mục đích như ông Cavusoglu đã nêu ra, mà còn phơi bày sự khác biệt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria, cho dù Ankara và Moskva rất muốn thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với nhau trong bối cảnh quan hệ của cả hai nước với Mỹ và châu Âu tiếp tục lao dốc.

[Iran: Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về Syria là một thắng lợi ngoại giao]

Cuộc gặp tại Tehran chứng tỏ hai nước vẫn còn nhiều bất đồng trong mục tiêu thiết lập mối quan hệ "đối tác chiến lược" như Ngoại trưởng Cavusoglu đã tuyên bố trong chuyến thăm tới Moskva hồi cuối tháng 8/2018 để thảo luận về vấn đề Idlib.

Ông Erdogan đã tỏ ra không hài lòng sau khi ông Putin bác đề xuất của ông về một thỏa thuận ngừng bắn giữa tất cả các bên tại Idlib, trong đó có các nhóm thánh chiến như Hayat Tahrir al-Sham.

Sự phản đối của ông Putin khiến cho ông Erdogan bị đánh giá là yếu thế tại Tehran, đồng thời bộc lộ thực tế rằng quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Syria là có giới hạn.

Trong một diễn biến khác, trong bài viết đăng trên Wall Street Journal (Mỹ), ông Erdogan nói rằng với sự giúp đỡ của các đồng minh, "chế độ Assad" đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Idlib, đồng thời nhấn mạnh rằng "các đối tác của chúng tôi trong hòa đàm Astana, đó là Nga và Iran, bằng cách này hay cách khác phải có trách nhiệm ngăn chặn thảm họa nhân đạo này."

Tuy nhiên, Moskva không lắng nghe ý kiến từ Ankara, thay vào đó tiếp tục các cuộc không kích tại tỉnh Idlib.

[Mega Story] Điểm nóng Idlib: ‘Nút thắt khó gỡ trên cuộc chiến Syria

Theo Liên hợp quốc, các cuộc không kích này đã dẫn tới làn sóng người tị nạn chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nga đã tấn công Idlib trong khi hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở Tehran.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới giáp với Idlib. Truyền thông thân chính phủ nước này khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai 20.000 tay súng thuộc Quân đội Tự do Syria (FSA) ở Idlib.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều lựa chọn để ngăn chặn chiến dịch quân sự nhằm vào Idlib vì ông Erdogan không thể tấn công quân đội Syria bởi họ được Nga và Iran hậu thuẫn, đồng thời cũng không thể gây chiến với Nga thông qua sử dụng lực lượng ủy nhiệm là FSA.

Nhiều chuyên gia bắt đầu cho rằng tiến trình đàm phán hòa bình Astana - được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran khởi xướng vào tháng 1/2017 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria - đang được sử dụng để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tiến trình này bao gồm nhiều vòng đàm phán được tổ chức tại Astana (Kazakhstan).

Nhiều chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng tiến trình này đã thúc đẩy lợi ích của Nga và Iran tại Syria, chứ không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập 12 cứ điểm tại Idlib theo thỏa thuận đạt được tại Astana để giám sát các thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính quyền Syria và các nhóm đối lập, còn được gọi là các "khu vực giảm căng thẳng."

Tuy nhiên, thỏa thuận này không bao gồm việc giám sát các nhóm bị Liên hợp quốc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, mà các tổ chức này đang bị dồn về Idlib và kiểm soát một phần khu vực rộng lớn. Nga đã sử dụng điều khoản này làm căn cứ để phát động các cuộc tấn công tại tỉnh Idlib.

Trao đổi với phóng viên ngay trước Hội nghị thượng đỉnh Tehran, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng phản ánh các quan ngại của Ankara về tiến trình đàm phán Astana, đồng thời nhấn mạnh rằng ý định của Chính quyền Syria tại Idlib, với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, là "chiếm Idlib," chứ không phải đánh khủng bố.

Ngoại trưởng Cavusoglu có lý khi nói như vậy vì thực tế Assad đã tuyên bố sẽ tái kiểm soát Idlib và nhận được sự ủng hộ của Nga. Moskva cũng đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ trao lại quyền kiểm soát mà nước này đang nắm giữ tại phía Bắc Syria cho ông Assad, đặc biệt là tại Afrin, khu vực Thổ Nhĩ Kỳ chiếm từ YPG.

Kêu gọi này đã vấp phải phản ứng từ ông Erdogan. Ông Erdogan khẳng định chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mới là bên quyết định nên làm gì.

Bất chấp những quan ngại nêu trên, Ankara vẫn muốn tiến trình đàm phán Astana tiếp tục tồn tại. Thổ Nhĩ Kỳ cần tiến trình này để có tiếng nói trong quá trình tìm kiếm giải pháp cuối cùng chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.

Một số chuyên gia phân tích thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt quan hệ với Nga, cũng đặt ra câu hỏi về động cơ của Nga tại Syria.

Mehmet Metiner - cựu Phó Chủ tịch AKP, là cây viết của tờ nhật báo Star ủng hộ Chính phủ - cho rằng bằng việc tiếp tục tấn công Idlib, Nga đang chứng tỏ rằng Moskva không cân nhắc đến các vấn đề nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ một cách nghiêm túc.

"Cây bút" lâu năm Mehmet Barlas, cũng là người ủng hộ Tổng thống Erdogan đã viết trên nhật báo Sabah: "Chúng ta phải đóng góp cho các nỗ lực của Chính quyền Assad để cải cách hiến pháp và tổ chức bầu cử. Thổ Nhĩ Kỳ phải tránh đối đầu trực tiếp với Nga tại Idlib và theo đuổi lộ trình ủng hộ sự thống nhất của Syria và tính chính danh của Chính quyền Syria."

Tuy nhiên, việc phục hồi quan hệ với Chính quyền Assad bị Erdogan xem là thất bại hoàn toàn tại Syria. Đây là lý do tại sao ông phớt lờ các kêu gọi không chỉ từ Moskva và Tehran, mà còn từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ về việc bình thường hóa quan hệ với Damascus.

Các lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria rất hạn chế. Ông Erdogan không có lựa chọn nào ngoại trừ chấp nhận Assad để có tiếng nói trong các nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.

Ankara đang phụ thuộc vào Nga tại Syria. Hội nghị thượng đỉnh Tehran tuy thất bại nhưng lại có thể là động lực để các bên thúc đẩy xây dựng hiến pháp mới nhằm tiến tới tổ chức bầu cử tại Syria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục