Canh bạc 'ê chề' của Ngoại trưởng Mỹ Pompe tại Syria

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo về một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria và điều này như một “cú đánh” trực tiếp vào những đòi hỏi trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.

Theo tạp chí National Interest, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo về một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria vào tối 5/3 (giờ địa phương) và điều này như một “cú đánh” trực tiếp vào những đòi hỏi trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.

Phát biểu với các phóng viên ngày 5/3, ông Pompeo nói rằng “yêu cầu” của Mỹ là Tổng thống Assad phải chấp nhận quay trở lại giới tuyến ngừng bắn đạt được năm 2018 ở phía Tây Bắc Syria sau nhiều tuần đụng độ quyết liệt giữa quân đội Syria và lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Ankara đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn do Moskva làm trung gian dọc theo các chiến tuyến ở Tây Bắc Syria và điều này giúp củng cố những thắng lợi quân sự của ông Assad kể từ năm 2018 đến nay.

Thỏa thuận này đã chấm dứt nỗ lực cuối cùng của Ngoại trưởng Pompeo nhằm thúc đẩy một liên minh Mỹ-Thổ chống lại chính quyền Assad được Nga và Iran hậu thuẫn.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tìm mọi cách để đẩy lùi tất cả các lực lượng Iran ở Syria kể từ khi cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hồi tháng 9/2018 tuyên bố đây là mục tiêu chính sách của Mỹ.

Trong những tháng gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm gây sức ép cả về quân sự và ngoại giao với Iran để hạ bệ ông Assad.

Ông Brian Hook, đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề Iran, phát biểu: “Mỹ và các đối tác sẽ từ chối các cam kết viện trợ tái thiết ở Syria trừ phi một số điều kiện nhất định được đáp ứng."

Ông Hook cũng đổ lỗi cho sự can thiệp của Iran trong việc hỗ trợ và tiếp tay chính quyền Assad “tàn sát” một nửa triệu người Hồi giáo.

Mặc dù vậy, đặc phái viên Mỹ không đề cập gì tới vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, bất chấp thực tế rằng một số nhà ngoại giao Mỹ đang bí mật hỗ trợ các cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng của chính quyền Syria ở khu vực Tây Bắc nước này.

Đại sứ James Jeffrey, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Syria, đã xuất hiện tại Idlib vào ngày 3/3 cùng với Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft.

Ông Jeffrey đã hứa hẹn sẽ ủng hộ cung cấp đạn dược và tin tức tình báo cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: “Chúng tôi có chương trình mua bán vũ khí rất lớn, hầu hết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các trang thiết bị quân sự của Mỹ. Chúng tôi sẽ đảm bảo những trang bị này sẵn sàng.”

Kế hoạch hai gọng kìm nhằm gây áp lực với Chính quyền Assad rất khả quan khi tháng 1/2019 Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về các biện pháp trừng phạt, theo đó cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục gây áp lực với ông Assad đúng vào thời điểm khi các lực lượng ủng hộ ông Assad đang tiến hành các vụ tấn công nhằm giành lại Idlib từ tay các nhóm khủng bố do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hiện diện gìn giữ hòa bình ở Syria như một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Syria, mà Ankara cho rằng đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2018 và có nguy cơ đẩy hàng trăm nghìn người tị nạn Syria tới khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công, giết hại hàng chục binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 2 vừa qua.

Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng cách sử dụng máy bay không người lái tấn công các đơn vị xe thiết giáp của Syria và dùng tên lửa vác vai bắn các chiến đấu cơ của Nga.

Quân đội Iran, thông thường giữ im lặng về tình hình tại Idlib, đã phải lên tiếng cảnh báo rằng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm trong tầm bắn của Iran.

Đây là sự leo thang nguy hiểm nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran cho đến thời điểm hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay ủng hộ các lực lượng chống chính quyền Assad, nhưng đồng thời cũng phối hợp chặt chẽ với Nga và Iran để đưa ra các thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập “các khu vực giảm căng thẳng” ở Syria.

Trước tình thế đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải lên tiếng yêu cầu Mỹ hỗ trợ bảo vệ không phận nước này. Yêu cầu của Ankara đã mở lại cuộc tranh luận lâu nay trong nội bộ chính quyền Trump về chính sách của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Jeffrey được cho là đã nỗ lực thúc đẩy việc Mỹ đưa hệ thống tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này, bất chấp phản đối từ phía Bộ Quốc phòng.

Giới lãnh đạo quân đội Mỹ đã mâu thuẫn với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về một loạt vấn đề, bao gồm cả Syria. Năm 2019, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy một liên minh giữa các lực lượng người Kurk do Mỹ ủng hộ và các tổ chức do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nhưng cơ chế này đã sụp đổ khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một chiến dịch quân sự chống lại các nhóm người Kurk vào tháng 10/2019.

Phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo tại cuộc họp báo hôm 5/3 dường như củng cố hơn nữa lập trường của ông Jeffrey khi nói rằng: “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu chúng tôi về một vấn đề mà chúng tôi cần phải xem xét trên nhiều góc độ. Chúng tôi tin chắc rằng đối tác Thổ Nhĩ Kỳ có đầy đủ quyền để bảo vệ mình trước các nguy cơ mà chính quyền Assad gây ra với sự ủng hộ của Nga và Iran”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục