Cảnh giác với vi khuẩn Salmonella - “kẻ hạ độc lén lút” ở rất gần bàn ăn

Vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm như trứng, rau mầm, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến sẵn... và rất dễ lây nhiễm qua các dụng cụ nhà bếp.

Vi khuẩn Salmonella có trong nhiều thực phẩm tươi sống. (Ảnh: iStock)
Vi khuẩn Salmonella có trong nhiều thực phẩm tươi sống. (Ảnh: iStock)

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong thời gian qua ở Việt Nam.

Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong – như trường hợp một bé gái 6 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi ăn bánh su kem nhiễm khuẩn Salmonella dịp Trung Thu vừa qua.

Vậy mức độ nguy hiểm của vi khuẩn Salmonella như thế nào, cách thức lây nhiễm của nó ra sao? Chúng ta cần làm gì để phòng tránh?

Salmonella là một loại vi khuẩn gây bệnh về đường tiêu hóa. Tại Mỹ, Salmonella là tác nhân lây nhiễm cho khoảng 1,35 triệu người mỗi năm. Các triệu chứng bệnh gồm sốt, tiêu chảy, đau bụng kéo dài liên tục trong nhiều ngày.

Tình trạng nhiễm khuẩn này có thể trở nặng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên, những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Martin Wiedmann, bác sỹ thú y và Nhà nghiên cứu thực phẩm tại Đại học Cornell (Mỹ) cho biết vi khuẩn Salmonella sống trong ruột của một nhiều loài gia cầm, gia súc cung cấp thực phẩm cho con người như gà, bò, lợn…

Khi gia súc, gia cầm bị giết mổ, vi khuẩn trong ruột chúng rất dễ làm ô nhiễm sản phẩm. CDC Mỹ cho biết cứ 25 gói thịt gà bán tại các cửa hàng tạp hóa thì có sẽ có một gói nhiễm vi khuẩn Salmonella.

thit ga.jpg
Nhiều thực phẩm đóng gói nhiễm vi khuẩn Salmonella. (Ảnh: iStock)

Vì vi khuẩn phát triển mạnh trong ruột động vật nên nó sẽ có trong cả phân, lông và chân động vật. Điều này đồng nghĩa với vi khuẩn Salmonella lây lan sang nhiều khu vực, chẳng hạn như ở cánh đồng trồng trọt hay nhà máy chế biến thực phẩm, nơi thực phẩm được sản xuất và đóng gói.

Bởi thế, không khó hiểu khi vi khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm như trứng, rau mầm, thịt gia súc, gia cầm, thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn như bơ hạt, bánh nướng đông lạnh...

Bác sỹ Wiedmann đặc biệt khuyến cáo bất cứ thứ gì tiếp xúc với thịt sống đều có khả năng chứa vi khuẩn Salmonella.

Vi khuẩn này còn có thể lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác. Nó cũng lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người và cả thú nuôi.

Điều gì xảy ra khi nhiễm khuẩn Salmonella?

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella thường xuất hiện nhanh chóng, trong vòng 8-72 giờ sau khi ăn hoặc uống nước bị nhiễm Salmonella.

Các triệu chứng thường kéo dài trong vòng từ 4-7 ngày, gồm đau bụng co thắt; ớn lạnh; tiêu chảy; sốt; đau cơ; buồn nôn; nôn; dấu hiệu mất nước (nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và năng lượng thấp); phân có máu.

Trẻ em có thể bị mất nước nghiêm trọng chỉ trong 1 ngày và đe dọa đến tính mạng.

Để chẩn đoán nhiễm khuẩn Salmonella, bác sỹ có thể khám thực thể vùng bụng bệnh nhân. Có thể tìm ra dấu hiệu phát ban với các chấm nhỏ màu hồng trên da. Nếu các dấu chấm này đi kèm với sốt cao, có thể cho thấy một hình thức nghiêm trọng của nhiễm khuẩn Salmonella gọi là sốt thương hàn.

Bác sỹ cũng có thể làm xét nghiệm máu hoặc cấy phân tìm sự hiện diện Salmonella trong cơ thể người bệnh.

Điều trị ngộ độc do khuẩn Salmonella

Việc điều trị chính cho ngộ độc thực phẩm do Salmonella là bù đắp đủ các chất lỏng và chất điện phân đã mất do bị tiêu chảy.

Nên uống nước hoặc các chất lỏng bổ sung; điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nhưng tránh các sản phẩm từ sữa.

Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm độc.

Với những trường hợp bị nôn không ăn uống được, người bệnh có thể được truyền tĩnh mạch. Trẻ nhỏ cũng có thể cần dịch truyền tĩnh mạch.

Salmonella.jpg
Vi khuẩn Salmonella. (Ảnh: iStock)

Thông thường, không dùng kháng sinh và thuốc để ngăn tiêu chảy. Những phương pháp điều trị này có thể kéo dài “giai đoạn mang khuẩn” và sự nhiễm khuẩn.

“Giai đoạn mang khuẩn” là khoảng thời gian trong và sau khi nhiễm khuẩn mà có thể lây nhiễm sang người khác. Bác sỹ có thể chỉ định các loại thuốc để làm giảm các triệu chứng.

Trong các trường hợp nặng hoặc đe dọa tính mạng, bác sỹ có thể kê toa kháng sinh đặc hiệu diệt vi khuẩn Salmonella.

Cách phòng tránh nhiễm độc

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, Tiến sỹ Andrea Etter, Nhà khoa học Thực phẩm và Nhà nghiên cứu về Salmonella tại Đại học Vermont, khuyến cáo: “Nếu trong nhà nuôi thú cưng hoặc gia súc, tránh hôn và luôn rửa tay thật kỹ sau khi tiếp xúc với chúng.”

Luôn rã đông thịt và gia cầm trong tủ lạnh thay vì ở nhiệt độ phòng. Nấu kỹ tất cả các loại thịt, đặc biệt là thịt gia cầm. Không ăn trứng sống hoặc nấu chưa chín.

Sử dụng thớt và dụng cụ riêng khi sơ chế thịt sống, tránh làm ô nhiễm nhà bếp và lây vi khuẩn sang các thực phẩm khác.

Các túi đựng thực phẩm sống cũng chứa vi khuẩn, vậy nên hãy gom vào và bọc chúng một túi riêng.

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh. Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong.

Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ.

Tiến sỹ Etter cũng gợi ý sử dụng lò vi sóng để khử trùng miếng rửa bát sau khi vệ sinh các dụng cụ sơ chế đồ sống. Bạn có thể để miếng bọt biển rửa bát vào lò vi sóng và đặt chế độ cao trong 1 phút. Quá trình này sẽ tiêu diệt hầu hết vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại trên miếng bọt biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục