Cạnh tranh với hàng ngoại: Doanh nghiệp có dám đầu tư công nghệ?

Theo Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, hiện nay, trong lĩnh vực thương mại đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ, điều quan trọng là doanh nghiệp có dám đầu tư công nghệ để cạnh tranh hàng ngoại hay không?
Cạnh tranh với hàng ngoại: Doanh nghiệp có dám đầu tư công nghệ? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Nhiều doanh nghiệp FDI khi được hỏi rất ủng hộ bán hàng Việt Nam chất lượng tốt tại hệ thống phân phối của họ, song điều quan trọng là nhà sản xuất Việt Nam có dám đầu tư công nghệ sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao để cạnh tranh với hàng ngoại nhập hay không?

Đây là câu hỏi của Chủ tịch tập đoàn Phú Thái tại Hội nghị lấy ý kiến về "Dự thảo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030" do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/12, tại Hà Nội.

[Hà Nội: Các hộ kinh doanh hờ hững với việc bán hàng đến 2 giờ sáng]

Cạnh tranh, người tiêu dùng được hưởng lợi

Chủ tịch tập đoàn Phú Thái cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực thương mại đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ để giành thị phần, song ông cho rằng, cần coi việc mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp là hoạt động bình thường của nền kinh tế.

Dẫn chứng từ thực tế, ông cho rằng, từ một công ty nhỏ liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp đã liên kết với đối tác nước ngoài để phát triển và lớn mạnh hơn trong lĩnh vực đó.

Chính vì vậy, theo ông, không nên lo ngại khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hệ thống phân phối.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định qua kiểm tra tại nhiều hệ thống phân phối, hàng Việt Nam chiếm tới 90%, các doanh nghiệp phân phối không phân biệt hàng hóa của nước nào mà chú trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

"Người tiêu dùng sẽ được lợi chính đáng, quan trọng là hàng Việt vào siêu thị là 90% và nhà nước quan tâm bằng cách chống hàng giả hàng nhái, công tác quy hoạch và những chính sách thực sự khuyến khích nông dân...," lãnh đạo Bộ Công Thương nói thêm.

Cạnh tranh với hàng ngoại: Doanh nghiệp có dám đầu tư công nghệ? ảnh 2Hội nghị lấy ý kiến về "Dự thảo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030". (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đón đầu xu hướng hiện đại

Bộ Công Thương cho biết, tính chung từ 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ…

Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thương mại còn chậm,

Đáng lưu ý, tình trạng hàng giả, hàng lậu chưa hoàn toàn được kiểm soát, tại nhiều nơi, hệ thống chợ nông thôn chưa được nâng cấp xây mới, trong khi hệ thống kho bãi, logistics chưa đồng bộ với sản xuất làm giảm khả năng điều tiết thị trường của nhà nước.

Một điểm nữa, theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước đó là tính chuyên nguyên và năng lực lao động trong ngành chưa cao, đơn cử ở những lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao như lao động quản lý, lao động trong thương mại điện tử, lực lượng lao động còn chưa đồng bộ với kế hoạch tổng thể phát triển.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách công lại bày tỏ lo ngại về các cam kết mở cửa thị trường, theo đó áp lực cạnh tranh tăng lên cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn lĩnh vực thương mại.

Ông cũng nhắc lại vấn đề văn minh thương mại, theo đó vẫn còn tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ khách hàng của một bộ phận nhà bán lẻ.

"Thương mại đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết về sản phẩm và văn hóa của người mua, do vậy thương mại cần trình độ rất cao, chúng ta chưa đạt được điều đó, nhiều khi chỉ bán được hàng thôi chứ chưa mang được sắc thái văn hóa của sản phẩm," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Văn Hùng góp ý thêm.

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, trong Chiến lược phát triển thương mại cần thể hiện rõ hơn về phát triển thị trường bán lẻ theo hướng hiện đại.

Cụ thể là cần có giải pháp mạnh để phát triển bán lẻ hiện đại, có cơ chế ưu tiên đầu tư cho các siêu thị, các hội chợ, trung tâm logistics và xây dựng các kho hàng Việt thí điểm ở ba miền để phân phối cho các nhà bán lẻ trong khu vực.

Có thể thấy, việc xây dựng Chiến lược thương mại trong bối cảnh mới là hết sức cần thiết, bởi theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hơn nữa, Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước thông qua việc kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục