Cao tốc Bắc-Nam trước nỗi lo biến động giá và thiếu vật liệu xây dựng

Ngoài việc thúc tiến độ, chất lượng các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang tập trung giải quyết các vướng mắc về mặt bằng, biến động giá và nguồn vật liệu công trình.
Nhà thầu triển khai thi công một dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu triển khai thi công một dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nếu không giải quyết triệt để về thiếu nguồn cung và biến động về giá vật liệu xây dựng, các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đang đứng trước nguy cơ hiện hữu chậm tiến độ và khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông.

Vướng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu thi công

- Xin Thứ trưởng cho biết tiến độ tổng thể chung dự án cao tốc Bắc-Nam đến thời điểm này ra sao, có đảm bảo các dự án hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, Chính phủ có Nghị quyết triển khai gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án (Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2) được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, 3 dự án (Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo) đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Theo kế hoạch, 2 dự án Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn sẽ hoàn thành tháng 12/2021; 3 dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây hoàn thành tháng 12/2022; các dự án còn lại hoàn thành cuối năm 2023.

Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công, triển khai 10/11 dự án thành phần (đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo mới ký hợp đồng BOT ngày 30/7/2021), trong đó có 6 dự án thành phần đã triển khai thi công (Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2) với giá trị sản lượng hoàn thành khoảng 7.473,78/28.438,6 tỷ đồng tổng giá trị các hợp đồng (tương đương 26,28% tổng giá trị các hợp đồng), 4 dự án thành phần đang triển khai công tác chuẩn bị (Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm); một dự án thành phần còn lại đang chuẩn bị khởi công xây dựng (đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo).

Trong 6 dự án đã triển khai thi công, có 2 dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu (Cao Bồ-Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2), 4 dự án theo giai đoạn thi công hiện nay còn chậm so với kế hoạch đã đề ra (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây) do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (bàn giao mặt bằng chậm, thiếu vật liệu đất đắp, biến động giá vật liệu, đặc biệt là giá thép và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...).

Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo các dự án hoàn thành theo đúng hợp đồng đã ký kết (riêng dự án Cam Lộ-La Sơn tiến độ hoàn thành khả năng phải kéo dài do ngoài các khó khăn chung, dự án còn ảnh hưởng bão lũ năm 2020).

- Xin ông nói rõ hơn về những khó khăn các dự án đang gặp phải?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Về công tác giải phóng mặt bằng, đến hết tháng 7/2021 còn lại khoảng 11,66/652,86km chưa bàn giao mặt bằng. Các tồn tại, vướng mắc chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông), xây dựng các khu tái định cư; người dân kiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường, tái lấn chiếm mặt bằng hoặc đã nhận tiền nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải đã thường xuyên có văn bản hoặc làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời báo cáo Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

[Giải quyết dứt điểm vướng mắc nguồn vật liệu xây dựng cao tốc Bắc-Nam]

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, trong thời gian gần đây, thực tế trên thị trường, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến đã gây nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông đồng loạt triển khai với nhu cầu vật liệu đầu vào lớn, đặc biệt là vật liệu đất đắp nền đường (11 dự án với nhu cầu khoảng 52 triệu m3 đất đắp lấy tại mỏ).

Do nhu cầu tăng cao trong cùng một thời điểm nên thực tế hiện nay việc cung cấp vật liệu đất đắp cho các dự án chưa đáp ứng được (thiếu khoảng 22,5/52 triệu m3). Do đó, việc nâng công suất khai thác, nâng trữ lượng, bổ sung cấp phép khai thác các mỏ vật liệu là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.

Tuy nhiên, thủ tục để nâng công suất, nâng trữ lượng, cấp mới mỏ vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản kéo dài (để cấp phép khai thác mới thủ tục kéo dài từ 8 đến 15 tháng) do đó thực tế hiện nay các dự án đều thiếu vật liệu đất đắp, có nguy cơ chậm tiến độ.

Chống độc quyền, đầu cơ, hét giá

- Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương để có giải pháp triệt để để xử lý thiếu nguồn vật liệu thi công dự án này như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Để giải quyết vướng mắc nêu trên, trên cơ sở báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án. Nghị quyết đã tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ.

Hiện nay, các địa phương đang triển khai, tuy nhiên còn lúng túng cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn.

[Không tháo gỡ nguồn vật liệu, cao tốc Bắc-Nam khó về đích đúng hẹn]

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được (do chưa giải phóng mặt bằng mỏ, chưa có đường tiếp cận,...); cấp phép khai thác đối với các mỏ đã có trong quy hoạch; nâng công suất khai thác mỏ đối với các mỏ đang khai thác có công suất nhỏ để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án; chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Về lâu dài, để đảm bảo các dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thuận lợi, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho phép rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản theo hướng giảm các thủ tục cấp phép, nâng trữ lượng, nâng công suất các mỏ vật liệu đắp thông thường để đáp ứng tiến độ khi triển khai các dự án lớn có nhu cầu vật liệu tăng cao trong một thời điểm.

Cao tốc Bắc-Nam trước nỗi lo biến động giá và thiếu vật liệu xây dựng ảnh 1Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Với biến động giá vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng; nghiên cứu, cho phép được điều chỉnh phương pháp điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng đã ký kết trên cơ sở công thức điều chỉnh giá; đề nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn về việc bù giá vật liệu.

- Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành và phải thực hiện giãn cách xã hội, dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp khó khăn; một số công trình (Gói thầu số XL-01, dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết phải dừng thi công do đã có cán bộ, công nhân nhiễm COVID-19 thuộc diện F0, phải cách ly.

Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm các quy định, quy chế phòng, chống COVID-19; báo cáo việc huy động nhân lực, thiết bị, vận chuyển vật liệu, tổ chức công trường, công tác phòng, chống dịch,... để chỉ đạo điều hành và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng và công tác phòng chống dịch.

Để hỗ trợ việc triển khai thi công các dự án trong vận chuyển nhân công, thiết bị, vật liệu thi công qua các tỉnh đang là vùng dịch, đối với một số dự án, Bộ đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố có dự án đi qua, hỗ trợ cho phép và ưu tiên xe vận chuyển thiết bị, nhân sự, vật liệu phục vụ dự án được phép di chuyển vào địa bàn tỉnh để đến công trường.

Chúng tôi cũng đề nghị các tỉnh xem xét ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị đang tham gia tại các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo tiến độ thi công của các dự án.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục