Cặp song sinh và phần mềm di động "All in one"

Vượt qua nhiều khó khăn, cặp song sinh Anh-Tiến đã tạo nên phần mềm di động “All in one for mobile 1.0,”  với rất nhiều tiện ích.
Với sản phẩm phần mềm “All in one for mobile 1.0,” cặp song sinh Lê Hoàng Anh và Lê Hoàng Tiến đã giành được giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu nhi toàn quốc lần thứ 6 và huy chương đồng Cuộc thi-Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 (IEYI 2010), do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Với một chiếc điện thoại có ngôn ngữ lập trình Java, sau khi được cài đặt phần mềm “All in one for mobile 1.0” và được kết nối GPRS, người sử dụng có thể truy cập tra cứu các thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Việt về lịch sử, danh bạ điện thoại, làm trắc nghiệm về Thăng Long-Hà Nội, thông tin thời tiết, giá vàng, ngoại tệ, lịch chiếu truyền hình và gửi cả tin nhắn miễn phí trên các mạng di động.

Đặc biệt, phần mềm này còn có chức năng tra từ điển và dịch đoạn văn bản với nhiều thứ tiếng được lấy dữ liệu trên Google. Với phần mềm này, từ điện thoại di động, người sử dụng chỉ cần vài thao tác đơn giản là có ngay kết quả chỉ trong vài giây và dù ở bất cứ đâu, người dùng cũng có thể truy cập để tra cứu một cách tiện lợi nhất. Ngoài ra, dữ liệu thông qua hệ thống là dữ liệu được lấy từ Google vì vậy người sử dụng hoàn toàn có thể yên tâm với các kết quả tra cứu.

Hoàng Anh cho biết, ý tưởng này đã được ấp ủ từ khi cậu còn học lớp 12, lúc đó số lượng người sử dụng điện thoại khá đông và chưa có phần mềm nào cung cấp dịch vụ trên điện thoại về tra cứu và dịch văn bản. Tuy nhiên do gia đình khó khăm nên đến thời điểm này hai anh em mới bắt tay vào thực hiện và cho kết quả khả quan.

Nhà có 4 anh em, bố dạy lái xe, mẹ không có nghề nghiệp, cuộc sống trong gia đình đều nhờ vào đồng lương ít ỏi của ba. Để có tiền trang trải cho những sáng tạo của mình và phụ giúp cha mẹ tiền sinh hoạt phí, hàng tháng hai anh em vẫn đều đặn công việc gia sư của mình đồng thời làm thêm một số việc như dán nhãn xe, chạy bàn,... Hai anh em đã tận dụng tối đa thời gian để sáng tạo, hoàn thiện sản phẩm của mình.

Trong ngôi nhà nhỏ, chật chội ở cuối con hẻm K19/18 - Điện Biên Phủ (Đà Nẵng), có lẽ giá trị nhất là chiếc máy tính cũ kỹ chạy với tốc độ pentium3, cách xa thời đại máy tính ngày nay, mà ba mẹ đầu tư cho cả mấy anh em. Nhà lại không kết nối internet nên mỗi lần muốn thử nghiệm sản phẩm, cả mấy anh em lại phải lò dò ra quán Internet gần đó để chạy thử và hoàn thiện sản phẩm dần dần. Khi phần mềm cơ bản hoàn thành cần chạy trên di động, hai anh em phải nhờ tới sự giúp đỡ của bạn bè vì gia đình chỉ có mỗi chiếc điện thoại di động không có kết nối GPRS.

Không chỉ vậy, ngay từ hồi học lớp 10, cặp sinh đôi này đã phải khiến nhiều thầy cô, bạn bè sửng sốt khi công bố phần mềm “Từ điển điện tử sinh vật”- sản phẩm đạt giải 3 cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi lần thứ 3 (năm 2006-2007). Rồi tiếp theo ở cuộc thi lần thứ 5 phần mềm hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của cặp anh em này cũng đã nhận giải 3 và giải nhì Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 14 với phần mềm “Vui học đến trường 3.6.”

Đến nay, cặp song sinh Anh-Tiến đã viết được hơn 10 phần mềm; trong đó, một số phần mềm đã được ứng dụng vào thực tế. Đặc biệt, sau khi các cuộc thi kết thúc, sản phẩm của cặp đôi song sinh đã nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và tổ chức.

Với phần mềm “Từ điển sinh vật” VDC đã hỗ trợ 2 năm để đưa tên miền tudiensinhvat.vn lên mạng; Công ty Cổ phần Phần mềm quản lý doanh nghiệp Fast (Đà Nẵng) hỗ trợ in 200 đĩa phần mềm “Vui học đến trường” để Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cung cấp cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn.

Hiện tại Hoàng Anh đang theo học năm thứ nhất khoa công nghệ thông tin thuộc trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, còn Tiến cũng học năm 1 khoa Điện tử Viễn thông của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hoàng Anh tâm sự, sắp tới 2 bạn đang có kế hoạch viết một phần mềm về một mạng xã hội trên điện thoại di động./.

Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục