Câu chuyện về anh bộ đội sáng tạo Lê Văn Thắng

Sự nhiệt huyết và niềm đam mê khoa học giúp anh sở hữu nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn.
Mỗi lần khiến cho cả giới chuyên môn phải giật mình khi có thêm một sáng kiến mang tính đột phá anh lại “ẵm” về một giải thưởng xuất sắc. Nhiều đơn vị bạn biết tiếng mời anh đến để chia sẻ kinh nghiệm và được một phen ngạc nhiên khi biết anh không phải dân chuyên nghiệp.

Sự nhiệt huyết và niềm đam mê khoa học đã giúp anh sở hữu nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn. Anh chính là Trung tá Lê Văn Thắng, Trưởng ban xe – máy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang.

Phá đồ dùng gia đình để phục vụ nghiên cứu

Trong xưởng sửa chữa lợp bằng mái tôn, Trung tá Lê Văn Thắng vẫn hì hục đánh vật với các thiết bị cơ giới. Anh đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho công trình “Cải tiến nóc xe thiết giáp” để mang đi dự thi trong tháng Bảy tới.

Cấu tạo nguyên bản của xe thiết giáp không hề có nóc, nếu chiến đấu trong thành phố sẽ khó đảm bảo an toàn. Việc thiết kế thêm nóc xe mà vẫn không gây bất tiện trong khi tác chiến đã được nhiều đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch, phương pháp cải tiến nhưng không thuyết phục. Trung tá Thắng đã làm được điều này sau nhiều tháng nghiên cứu, tìm tòi.

Gạt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên cổ, anh chào tôi bằng một cái gật đầu vội vã “Chú thông cảm, thời gian của anh còn ít quá nên phải tranh thủ. Anh em mình nói chuyện ở đây nhé."

Vậy là vừa làm, anh vừa kể cho tôi nghe về những “chiến tích” anh đã đạt được trong những năm qua. Gần chục năm với hàng loạt các giải thưởng sáng tạo kỹ thuật do Quân khu II tổ chức như: Cải tiến bộ nạp dòng cho ắc quy xe sẵn sàng chiến đấu; Chế tạo thiết bị kiểm tra động cơ bugi; Cải tiến bộ gạt mưa xe bọc thép BTR – 152; Cải tiến tổng côn – phanh xe GAZ – 66…nhưng anh nhất quyết không nhận mình là kỹ sư hay chuyên gia gì cả. Với anh, đó chỉ là những thành công “nho nhỏ” góp phần giúp cho công tác huấn luyện của đơn vị được thuận lợi.

Thành công cứ thế tiếp nối thành công, anh được bạn bè đồng nghiệp xa gần yêu mến và thán phục. Nhiều người gọi anh là anh bộ đội “sáng tạo” cũng chẳng sai, bởi những sáng kiến anh nghĩ ra đều rất mới chưa đâu làm hoặc có làm thì cũng không đem lại hiệu quả.

Kỷ niệm vui nhất là khi anh tìm cách chế tạo thiết bị kiểm thử bugi cho động cơ xăng. Ở các đơn vị từ trước đến nay không có thiết bị kiểm tra bugi, chủ yếu phải kiếm tra trực tiếp trên xe bằng cách tháo bugi và sử dụng hệ thống đánh lửa trên xe để kiểm tra. Việc này tốn thời gian và tia điện có thể bắt vào hơi xăng rất nguy hiểm.

Sau khi tìm tòi khắp nơi, anh quyết định về nhà mang chiếc bếp gas vợ mới mua được vài tháng ra để…phá. Mục đích của việc này là để tìm hiểu cơ chế đánh lửa. Mất chiếc bếp gas mới nhưng bù lại “ tác phẩm” của anh đã đoạt giải A trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do Quân khu tổ chức, và điều quan trọng hơn là từ nay công tác huấn luyện của đơn vị đã được đảm bảo an toàn và nhanh chóng.

Dầm mưa, dãi nắng đi tìm… thiết bị

Dù là lãnh đạo nhưng hiếm khi thấy anh ngồi trong phòng chỉ huy nếu không có việc gì quan trọng. Công việc chế tạo, cải tiến kỹ thuật rất mất thời gian và công sức. Hầu hết các thiết bị máy móc đã sản xuất cách đây nhiều năm nên không có đồ mới để thay thế, đồ cũ còn sử dụng được tìm rất khó khăn. Có lúc “ công trình” đã hoàn tất đến 99%, chỉ còn thiếu một thiết bị nhỏ nữa nên chưa thể vận hành đành đắp chiếu cả tháng để chờ.

Anh nói: Tôi thường xuyên phải đi khắp nơi để tìm thiết bị, lúc thì xuống chợ giời dưới Hà Nội, lúc lại vào “lò sắt vụn” ở Vĩnh Phúc. Thế nhưng không phải lúc nào cũng tìm ra, có khi đi vài ngày mà chẳng thu được kết quả gì. Có lần tôi cùng một đồng nghiệp lang thang ở chợ giời gần hai ngày mà không sao kiếm được thanh tà vẹt theo đúng theo yêu cầu. Đến cuối ngày trời mưa, hai anh em chạy vào một của hàng nhỏ để đứng nhờ thì bất ngờ nhìn thấy thứ mình cần đang nằm ngay trước mặt. Chúng tôi nhìn nhau mừng rơn như bắt được vàng….

Yêu nghề và trót ham mê nghiên cứu nên đôi lúc anh xao nhãng việc gia đình. Nhiều hôm đang đi trên đường bỗng nãy ra một ý tưởng, anh về nhà chui tuột vào gầm cầu thang và lật ngửa máy móc ra để nghiên cứu quên béng việc vợ nhờ. “Cũng may, vợ tôi là người tâm lý, biết chồng đam mê nên những lúc như vậy không hề trách móc mà còn kéo ghế ra ngồi xem và động viên,” anh Thắng trầm ngâm chia sẻ.

Vất vả là thế nhưng khi những sáng kiến đem lại kết quả cao và được áp dụng trong toàn quân càng tạo thêm động lực cho anh tiếp tục công việc đầy khó khăn nhưng nhiều ý nghĩa. Nhiều đơn vị ở các tỉnh bạn biết tiếng đã sang mời anh đến để chia sẻ kinh nghiệm.

Đại tá Trịnh Văn Quyết - Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, cho biết: Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới, điều kiện kinh tế còn hết sức khó khăn nên việc đầu tư cho quốc phòng còn hạn chế. Việc làm của Trung tá Lê Văn Thắng không chỉ tiết kiệm được nguồn chi phí rất lớn mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công việc, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Trung tá Thắng đang là tấm gương sáng cho các đồng đội, chiến sỹ noi theo.

Tối 18/5, nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tá Lê Văn Thắng đã được vinh danh trong Hội nghị biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức./.

Đỗ Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục