Chậm, hủy chuyến: Hãng hàng không ‘khai man’ hay dồn chuyến?

Theo đại diện các hãng hàng không và đơn vị dịch vụ phục vụ mặt đất, đối với hàng không, an toàn và chất lượng, hiệu quả là quan trọng nhưng tính đúng giờ là quyết định.
Chậm, hủy chuyến: Hãng hàng không ‘khai man’ hay dồn chuyến? ảnh 1Chậm, hủy chuyến là tình trạng thường xuyên trong hoạt động khai thác hàng không với nhiều nguyên nhân chủ và khách quan. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chậm, hủy chuyến là tình trạng thường xuyên trong hoạt động khai thác hàng không. Tuy nhiên, nhiều hành khách cũng tỏ ra nghi ngờ việc các hãng hàng không cố tình delay chuyến bay để ghép khách và dồn chuyến nhằm giảm chi phí.

Theo đại diện các hãng hàng không và đơn vị dịch vụ phục vụ mặt đất, đối với hàng không, an toàn và chất lượng, hiệu quả là quan trọng nhưng tính đúng giờ là quyết định.

“Tại anh, tại ả, tại cả... ông trời”

9 giờ sáng ngày 26/9 tại sân bay Tân Sơn Nhất, loa phát thanh phát đi thông báo “chuyến bay hãng hàng không Vietjet Air đi Hà Nội sẽ khởi hành trong ít phút nữa, những hành khách cuối cùng nhanh chóng ra quầy làm thủ tục để chuyến bay cất cánh”.

Khoảng vài phút sau, tên “thượng đế” chưa làm thủ tục check-in chuyến bay của hãng hàng không được phát thanh viên nhắc đi nhắc lại vài lần.

[Hãng hàng không ‘bay hơi’ tới 100 USD cho 1 phút chậm hủy chuyến]

18 giờ chiều cùng ngày, một cơn mưa to ập đến đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch bay của các hãng hàng không Jetstar Pacific vốn đã được sắp xếp, lên lịch chi tiết từng ngày, tuần và tháng.

Từ chỗ tất cả các chuyến bay tại thời điểm đó đều hạ cánh đúng hẹn, mưa to đã khiến 5 chuyến bay của hãng Jetstar bị chậm. Các chuyến bay này đều chuẩn bị hạ cánh nhưng thời tiết quá xấu nên phải bay chờ, chuyến ít nhất bay chờ 40 phút, chuyến lâu nhất là 1 tiếng 15 phút.

Một số chuyến bay khác của hãng về Tân Sơn Nhất cũng được cảnh báo phải bay chờ nên đã lùi kế hoạch cất cánh lại ngay sau đó.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Điều hành khai thác của Jetstar, thời tiết khu vực phía Nam có nhiều bất thường, mưa lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chuyến bay, một số máy bay phải xếp hàng chờ bay tại đường lăn ở sân bay là những nguyên nhân tăng tỷ lệ chậm chuyến vì lý do máy bay về muộn.

Bà Phạm Thị Thu Nga, Trưởng phòng tiêu chuẩn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam-Chi nhánh Tân Sơn Nhất (VIAGS Tân Sơn Nhất, đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines) cho rằng, với chuyến bay về muộn, các quy trình thao tác sẽ phải rút ngắn thì phải có sự hợp tác hai phía đó là hãng hàng không và VIAGS từ làm vệ sinh tàu bay đến thủ tục vé bay.

Tùy từng trường hợp, VIAGS Tân Sơn Nhất sẽ cân đối nguồn lực và điều phối thêm người để rút ngắn thời gian vệ sinh đồng thời sẽ phải tính toán các chi phí phát sinh bất thường và cân đối để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

“VIAGS là đơn vị phục vụ trên cơ sở của hãng hàng không, như Vietnam Airlines kế hoạch bay phải nộp vào 18 giờ ngày hôm trước và hãng hàng không đều có lịch bay và sân bay căn cứ để các đơn vị mặt đất triển khai. Để hủy chuyến và dồn vào chuyến sau vì lý do thương mại là không có cơ sở thực hiện,” bà Nga khẳng định.

Tuy nhiên, bà Nga thừa nhận, có một số hãng hàng không dồn chuyến nhưng là tình trạng kỹ thuật nên bắt buộc phải dồn chứ không phải lên lịch bay rồi mới hủy (ngoại trừ hủy thời tiết xấu hay lỗi kỹ thuật).

“Hàng không là ngành đặc thù nên quy định hành khách đến trước chuyến bay 40 phút chuyến bay nội địa và 50 phút đối với chuyến bay quốc tế, đây là nét văn hóa hàng không. Thậm chí, nếu đi giờ cao điểm sẽ bị ô nhiễm âm thanh do phát thanh gọi khách đến muộn nhiều quá,” bà Nga thành thật nói.

Không hãng nào muốn delay hay dồn chuyến

Theo báo cáo của Cục Hàng không, trong tám tháng, tỷ lệ các chuyến bay đúng giờ của Vietnam Airlines đạt 88%, Vietjet Air đạt 83%, Jetstar Pacific đạt 79%. Đây là tỷ lệ đạt trên mức bình quân của thế giới (75%) và cao hơn nhiều hãng hàng không các nước lân cận.

“Số liệu thống kê lấy hàng ngày của các hãng hàng không, các cảng vụ hàng không về số chuyến bay đúng giờ hay tỷ lệ chuyến bay chậm, huỷ là số đúng, số thực với hiện trạng khai thác của hàng không Việt Nam và được công khai trên website của Cục Hàng không,” ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Chậm, hủy chuyến: Hãng hàng không ‘khai man’ hay dồn chuyến? ảnh 2Để hủy chuyến và dồn vào chuyến sau vì lý do thương mại đối với các hãng hàng không là khó thực hiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Cường, thông thường, nếu chuyến bay đầu ngày bị chậm vì lý do nào đó sẽ kéo theo chậm của 3-4 chuyến sau đó. Do đó, lý do các hãng đưa ra chậm chuyến do tàu bay về muộn phù hợp với sự khai thác, phù hợp với kết quả kiểm tra, kiểm soát.

[Tỷ lệ chậm hủy chuyến của hàng không Việt cao hơn chuẩn thế giới]

“Tất cả các cảng hàng không đều có phòng giám sát chất lượng, hoạt động cung cấp dịch vụ của các đơn vị, đặc biệt giám sát được việc thực hiện trách nhiệm và dịch vụ của nhà vận chuyển. Các cảng vụ hàng không căn cứ lịch bay, tình hình khai thác đều có thể xác minh được lý do chậm, hủy chuyến của hãng đưa ra có đúng hay không, tránh trường hợp ‘khai man’,” ông Cường khẳng định.

Đánh giá chỉ số tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (chỉ số OTP) là hết sức quan trọng và quyết định sự hiệu quả của hãng hàng không, theo ông Nguyễn Quốc Phương, Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacfic cho rằng, thiệt hại khi chậm hủy chuyến đối với hãng bay đương nhiên là có. Không hãng nào muốn delay, chậm giờ nào là tốn tiền phút đó.

Trên thực tế, có tới 82% số chuyến bay bị chậm của Jetstar do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, chim va, sét đánh, vật ngoại lai, kẹt đường băng và không lưu; 18% chuyến bay còn lại bị chậm do các nguyên nhân chủ quan như máy bay kiểm tra sửa chữa đột xuất trong quá trình khai thác, lỗi của phục vụ mặt đất...

“Khi máy bay bị chim va hay sét đánh, hãng đều phải dừng hoạt động của máy bay để kiểm tra kỹ thuật khiến các chuyến tiếp theo bị chậm”, ông Phương thông tin.

Bổ sung thêm, Trương Phương Thành, Phó Tổng giám đốc VIAGS Tân Sơn Nhất cho rằng, chỉ số OTP đều được các hãng hàng không đưa vào cam kết chất lượng đồng thời yêu cầu rõ ràng đối với Công ty phục vụ mặt đất tuân thủ nếu để chậm trễ ở mức độ nào đó sẽ bị xử phạt.

Theo đại diện các hãng bay và Cục Hàng không, ứng xử thông báo cho hành khách việc chậm, hủy chuyến là điều kiện quan trọng đến chất lượng dịch vụ. Khi có sự cố chậm chuyến, đại diện hãng và Cảng vụ tìm giải pháp để giải quyết khủng hoảng, khách đỡ bị ảnh hưởng nhất trong các chuyến chậm hủy.

Bổ sung nhà ga T3 phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất. (Nguồn: VNEWS)

Ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, với những chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, Vietjet cố gắng báo trước qua hệ thống như trang web của hãng, nhắn tin hoặc gọi điện thoại hành khách...

“Có nhiều hành khách mua vé qua trung gian như đại lý, phòng vé, thậm chí nhờ người khác mua. Khi chậm, hủy chuyến, hãng thông báo qua đại lý hay phòng vé nơi khách mua nhưng có thể những thông báo này không thể đến hành khách,” ông Phúc nói.

Do vậy, các hãng hàng không đều bày tỏ quan điểm, tất cả các chuyến bay bị chậm, hủy chỉ vì lý do duy nhất là đảm bảo an toàn, an ninh cho chuyến bay, cho hành khách nên mong “thượng đế” chia sẻ và thông cảm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục