"Chăm lo nạn nhân da cam là trách nhiệm xã hội"

Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân da cam là trách nhiệm chung của toàn xã hội,
Ngày 30/7, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng đã tới thăm và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) tại Hà Nội.

Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nhiều lần khẳng định rằng: Hậu quả chiến tranh trong đó có hậu quả do chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam còn rất nặng nề và khắc phục hậu quả là việc làm mang tính cấp bách nhưng cũng là việc làm phải duy trì lâu dài.

Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân da cam là trách nhiệm chung của toàn xã hội; trong đó cán bộ, chiến sỹ Bộ Quốc phòng cũng có trách nhiệm cùng chia sẻ với nhân dân để giảm bớt nỗi đau do chất độc dioxin gây ra, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết Hội thành lập được 7 năm, nhưng đã tích cực hoạt động nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội trong nước, bạn bè quốc tế hỗ trợ hiệu quả cho các nạn nhân cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng được mạng lưới các cấp Hội ở 58 tỉnh, thành phố trong nước cùng huy động sức mạnh tổng hợp vì nạn nhân da cam.

Những năm qua, mặc dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn song Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách; các địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong nước, bạn bè quốc tế đã chung sức cùng Hội giải quyết được một phần thảm họa do chất độc da cam gây ra. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có gần 200.000 nạn nhân được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà con số nạn nhân trên thực tế là 3 triệu người.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng cho biết mức trợ cấp như hiện nay còn thấp, nhiều nạn nhân chưa được thụ hưởng chính sách như thế hệ nạn nhân thứ 3; người đang sống, công tác tại vùng ô nhiễm nặng. Thêm vào đó, các văn bản hướng dẫn làm hồ sơ chính sách còn phức tạp, chưa thống nhất khiến lượng lớn hồ sơ vẫn tồn đọng, nhiều nơi làm chưa tốt, gây bức xúc…

Do đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin kiến nghị Bộ Quốc phòng tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời đề nghị các đơn vị trong Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Hội để khảo sát, xây dựng chính sách đối với quân nhân nhiễm chất độc da cam đang tại ngũ, công tác tại khu vực ô nhiễm nặng.

Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mong muốn Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp với Hội trong nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam như xây dựng nhà tình nghĩa, trao học bổng, dạy nghề cho con em các nạn nhân, hỗ trợ sản xuất cho các nạn nhân đặc biệt khó khăn, xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng… Đặc biệt là mong muốn hệ thống bệnh viện của Bộ Quốc phòng triển khai bộ phận tẩy độc cho các nạn nhân trong hệ thống bệnh viện quân y.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định rằng Bộ Quốc phòng sẽ chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham mưu, đề xuất bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách đối với các nạn nhân chất độc da cam cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đây là việc làm cần thiết và hợp lý để giảm bớt nỗi đau do thảm họa da cam gây ra.

Nhiều năm qua, các đơn vị trong toàn quân đã quan tâm cùng góp sức với xã hội thực hiện nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, trong đó có các nạn nhân chất độc da cam. Với những việc như xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, trao học bổng, xây dựng nhà tình nghĩa… mỗi năm các cán bộ, chiến sỹ trong toàn ngành đều tự nguyện đóng góp để thực hiện, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng cũng tiến hành nhiều biện pháp khoanh vùng, cô lập, xử lý từng bước các các điểm nóng về dioxin. Về tẩy độc cho các nạn nhân, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bệnh viện 103 ở phía Bắc, Bệnh viện 175 ở phía Nam làm đầu mối thực hiện thí điểm tẩy độc cho các cựu chiến binh, quân nhân tại ngũ bị phơi nhiễm, mắc các bệnh nghề nghiệp khác. Sau đó, từ mô hình này sẽ triển khai rộng rãi ra các bệnh viện quân y.

Bộ cũng đang chỉ đạo việc thu thập thông tin, giúp các cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam thất lạc giấy tờ gốc trong quá trình làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách của Nhà nước…/.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục