Chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông

Từ 1/5-15/7/2023, trong tổng số 343 bệnh nhân chấn thương vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tổn thương do chấn thương sọ não chiếm 55,4%, gãy xương chiếm 38,5%, chấn thương hàm mặt 25,1%.
Chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông ảnh 1Hiện trường một vụ tai nạn giao thông giữa ôtô và xe máy. (Ảnh: TTXVN)

Trong số 343 trường hợp bệnh nhân chấn thương chuyển tuyến trong cấp cứu tại phòng khám Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh có sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông là 19%.

Đây là con số được nhóm nghiên cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu lên chiều 28/9, tại Phiên toàn thể thảo luận về ứng phó sau tai nạn giao thông, trong khuôn khổ Hội nghị An toàn Giao thông Việt Nam 2023 do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức.

Bác sỹ Đinh Văn Quỳnh, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã đánh giá thực trạng cấp cứu trước viện đối với toàn bộ bệnh nhân chuyển tuyến trong cấp cứu tại Phòng khám Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong thời gian từ 1/5/2023 đến 15/7/2023, không phân biệt giới, tuổi, có hồ sơ đầy đủ, bao gồm cả các ca nặng về và tử vong.

Tổng số có 343 trường hợp bệnh nhân chấn thương vào cấp cứu, trong đó nam chiếm đa số 71,4%, nữ chiếm 28,6%; trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59 chiếm 63%, trên 60 tuổi chiếm 32,6%, dưới 15 tuổi chỉ chiếm 4,4%. Trong số này, tai nạn giao thông là 211 trường hợp, chiếm cao nhất (61,5%), ngã chiếm 23%.

Thời điểm tai nạn từ 6 -14 giờ chiếm cao nhất, là 42,3%. Phương tiện giao thông liên quan tai nạn có 74,4% là xe máy, 7,1% người đi bộ và 7,4% là người đi xe đạp. Đáng chú ý, người bệnh có sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông là 19%.

Tổn thương của nạn nhân gồm chấn thương sọ não chiếm 55,4%, gãy xương chiếm 38,5%, chấn thương hàm mặt 25,1%, chấn thương cột sống chiếm 21%.

Từ các con số phân tích, nhóm nghiên cứu cho rằng, tai nạn giao thông vẫn chiếm tỷ lệ cao các trường hợp cấp cứu chấn thương tại bệnh viện, và chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong.

Ngoài xe máy chiếm đa số, các trường hợp đi bộ và xe thô sơ cũng liên quan tai nạn giao thông.

Cấp cứu trước viện cho thấy chỉ người nhà hoặc điều dưỡng hộ tống bệnh nhân, không có bác sỹ đi cùng nên các kỹ thuật cấp cứu ban đầu chủ yếu là băng vết thương, bất động chi gãy, khai thông đường thở, đặt nội khí quản và nẹp cổ.

“Cấp cứu trước viện đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc cấp cứu, giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong trước khi người bệnh tiếp cận nhân viên y tế hoặc trước khi đến bệnh viện điều trị thực thụ. Mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu ngoại viện, tuy nhiên, nhiều vấn đề cần cải thiện,” Bác sỹ Đinh Văn Quỳnh nói.

Bác sỹ Đinh Văn Quỳnh đề xuất cần đào tạo chuyên nghiệp cấp cứu trước viện cho nhân viên y tế và ngoài cộng đồng về cấp cứu các ca tai nạn bên cạnh việc tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.

Hồi cứu toàn bộ 123 bệnh nhân được chẩn đoán là đa chấn thương với chấn thương ngực kín được đưa vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong khoảng thời gian 2 năm, từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Vinh (Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) cùng nhóm nghiên cứu cho biết tai nạn ôtô và tai nạn xe máy là những nguyên nhân phổ biến nhất (hơn 78%) đối với chấn thương ngực kín.

Trong số các bệnh nhân này, 93 người là nam giới và độ tuổi trung bình là 34,5 tuổi.

Gãy xương sườn (86%), tràn máu màng phổi (73%) và dập phổi (34%) là những chấn thương ngực phổ biến nhất. Hầu hết bệnh nhân (66,5%) bị chấn thương ngực nghiêm trọng. 92% bệnh nhân chấn thương ngực kín được điều trị bảo tồn.

“Chấn thương ngực là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba sau chấn thương bụng và chấn thương sọ não ở bệnh nhân đa chấn thương,” Thạc sỹ Nguyễn Xuân Vinh cho hay.

[2.865 người chết vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm]

Nêu quan điểm tai nạn giao thông đường bộ đang là vấn đề thách thức đối với ngành Y tế và sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống xã hội và con người, Thạc sỹ Tạ Thị Như Quỳnh (Trung tâm Cấp cứu 115-Hà Nội) cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ là 11%, đứng thứ ba sau tử vong do bệnh tim mạch (18%) và nhiễm khuẩn (15%).

Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân chủ yếu chiếm 94,56% số vụ, 96,09% số người chết và 96,43% số người bị thương trong tổng số tai nạn giao thông.

Cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng, là một hoạt động nhằm can thiệp nhanh, kịp thời để bảo đảm tính mạng nạn nhân, khẩn trương đưa đến bệnh viện, góp phần cứu sống, hạn chế di chứng lâu dài cho nạn nhân.

Chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông ảnh 2Một nạn nhân bị đa chấn thương sau vụ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Đào Vũ (Bệnh viện Bạch Mai) chỉ ra rằng, chấn thương cột sống là một trong những bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của người bệnh và được mô tả là một bệnh không chữa khỏi.

Theo số liệu thống kê hàng năm trên thế giới, tỷ lệ tổn thương tủy sống có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông còn cao, đây là nguyên nhân trực tiếp gây chấn thương tủy sống, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong và tàn tật.

Các thảo luận tại Hội nghị nhận định tai nạn thương tích vẫn là vấn đề toàn cầu, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ, cứ mỗi 6 giây có một trường hợp tử vong do tai nạn.

Tại Việt Nam, theo một báo cáo năm 2018 của Cục Quản lý Môi trường Y tế, số tử vong chung là 34.071, tỷ suất tử vong chung là 35,68/100.000 dân, ở mức độ cao so với các nước trong khu vực.

Một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong cao do năng lực cấp cứu trước viện chưa đáp ứng một cách hiệu quả, làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.

Phần lớn các ca tử vong do tai nạn thương tích đều là tử vong ngoại viện hoặc trong vòng 48 tiếng sau tai nạn.

Các chuyên gia y tế ước tính nếu các quốc gia tổ chức tốt hệ thống cấp cứu trước viện có thể giảm 54-90% số ca tử vong.

Hiện nay, hệ thống y tế ở các nước, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình thường chỉ tập trung vào điều trị bệnh cụ thể.

Các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy có nhiều bất cập ở hệ thống cấp cứu trước viện, làm tăng nguy cơ tử vong và biến chứng đối với người bệnh.

Hiện nay, việc thống kê và phòng, chống tai nạn giao thông mới chủ yếu nhìn vào số người tử vong.

Tuy nhiên, hệ lụy từ người bị thương cũng không nhỏ, khi không ít người để lại di chứng tàn tật cả đời, tốn kém chi phí về sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục