Châu Âu chỉ có thể cấm nhập khẩu dầu của Nga trong thời gian ngắn

Chuyên gia Gary Korolev lưu ý việc Nga cung cấp 27% nhu cầu dầu của Liên minh châu Âu trong năm 2019 và việc bù vào khoảng trống này trong trường hợp thực hiện lệnh cấm sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Châu Âu chỉ có thể cấm nhập khẩu dầu của Nga trong thời gian ngắn ảnh 1Một trạm xăng ở Essen, Đức ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Sovereign Wealth Management, ông Gary Korolev, ngày 9/3 cho rằng các nước châu Âu không thể áp đặt lệnh cấm hoàn toàn dầu và các sản phẩm năng lượng khác của Nga.

Tuy nhiên, trong trường hợp thực hiện, biện pháp này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn do một động thái như vậy có thể gây tổn hại cho nền kinh tế các nước này.

Ông Gary Korolev nói: “Căn cứ vào những thông tin mà chúng tôi có được hiện nay, tôi có thể nói rằng các nước châu Âu sẽ không áp đặt một lệnh cấm hoàn toàn dầu và các nguồn năng lượng khác của Nga, mặc dù họ có thể đe dọa thực hiện. Tuy nhiên, nếu họ thực hiện một lệnh cấm vận như vậy thì đây là sẽ một lệnh cấm trong ngắn hạn.”

Ông Gary Korolev cũng lưu ý việc Nga cung cấp 27% nhu cầu dầu của Liên minh châu Âu trong năm 2019 và việc bù vào khoảng trống này trong trường hợp thực hiện lệnh cấm sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Trước đó, trong phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.

[Nhóm Visegrad và Anh nhất trí giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga]

Giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của của chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19.

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt.

Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục